Việt Nam rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

08:53:46 | 7/8/2023

Trả lời phỏng vấn, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Việt Nam đã và đang rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều cơ hội mới, dòng đầu tư có chọn lọc đang đến với nước ta.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: "Một số ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các dự án công nghệ cao dự kiến sẽ trình Quốc hội trong Kỳ họp tháng 10 tới đây".

Để "phác hoạ bức tranh" tổng thể về môi trường đầu tư của nước ta hiện nay thì đâu là những nét đáng chú ý, thưa ông?

Môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện với nhiều biên pháp, trong đó có những giải pháp kịp thời, như ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Trên cơ sở nắm bắt khó khăn, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo rất nhanh chóng, sát sao. Ví dụ như Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành; Bộ Công an tham mưu Chính phủ và Chính phủ đã trình Quốc hội sửa Luật Xuất nhập cảnh, theo đó cho phép đăng ký xin cấp visa điện tử. Hay một số điều kiện về phòng cháy, chữa cháy cũng được sửa đổi kịp thời.

Ngoài ra, một điểm sáng nữa là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt giao và yêu cầu các bộ, ngành địa phương tăng tốc giải ngân đầu tư công, để dồn sức vào các hạ tầng chiến lược như cao tốc Bắc-Nam, trục đường ven biển, tuyến đường liên tỉnh và tuyến đường nối các cảng, sân bay. Đây là yếu tố quan trọng giúp cải thiện hạ tầng, thúc đẩy logistics.

Vì vậy, những khó khăn phần nào được giải toả, các nhà đầu tư đánh giá cao về môi trường đầu tư tại Việt Nam và nhiều đoàn đầu tư đã đến khảo sát tại Việt Nam.

Theo như tôi được biết, Jetro đã khảo sát, đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực châu Á và thứ 3 trên thế giới. EuroCham đánh giá Việt Nam xếp thứ 5 trong các địa bàn hấp dẫn nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Mặt khác, định hướng làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam hiện nay vẫn tốt, nhưng triển khai hơi chững lại do những yếu tố nội tại của họ, ví dụ như tỷ giá của đồng yên tăng.

Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc sang Việt Nam, vài chục doanh nghiệp lớn hàng đầu của Hàn Quốc đã tiếp cận thị trường nước ta và có khoảng từ 80 đến 90 cam kết đầu tư đã được trao để sắp tới mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đặc biệt, sau tuyên bố về cam kết net zero của Chính phủ tại COP26, nhiều nhà đầu tư châu Âu bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng sạch.

Theo khảo sát của các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, 90% doanh nghiệp khẳng định sẽ đầu tư vào Việt Nam dù nước ta đang đối mặt với những khó khăn do tác động của kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp tin tưởng vào tín hiệu khởi sắc trong trung và dài hạn.

Đầu năm 2023, Cao ủy của châu Âu và các bộ trưởng của Hà Lan đã dẫn hơn 200 doanh nghiệp Hà Lan đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kinh doanh thông qua 30 hội thảo xúc tiến đầu tư.

Tại châu Á, các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay đang có làn sóng đầu tư sang Việt Nam rất mạnh mẽ trong lĩnh vực điện tử, tin học, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo. Các tập đoàn lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao cũng quan tâm và mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Vừa qua, trong chuyến công tác tới Bỉ và Hà Lan, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã làm việc với nhiều tập đoàn lớn của hai nước này về đầu tư vào ngành điện tử, năng lượng tái tạo. Cùng với đó, các quốc gia như Singapore, Hoa Kỳ cũng xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Có thể nói, rất nhiều cơ hội đang đến với Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt trong dòng đầu tư, phù hợp với chủ trương, đường lối của chúng ta về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo.

Như ông vừa chia sẻ, những nỗ lực đã mang lại kết quả tích cực. Một trong những số đó là dù bối cảnh còn nhiều thách thức, vốn FDI 7 tháng đã tăng trở lại sau nhiều tháng giảm. Yếu tố nào tạo nên kết quả này?

 

Để có mức tăng này là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời, linh hoạt đến các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt vướng mắc, tháo gỡ kịp thời tháo gỡ cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, giải ngân đầu tư. Các nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của chúng ta.

7 tháng qua, những điểm nổi bật phải kể đến là vốn giải ngân tăng 0,8%, vốn đăng ký mới tăng 4,5%, số dự án tăng 75,5%, vốn đầu tư mới tăng 38,6%.

Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp vừa, tập trung vào đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Singapore…

Vậy triển vọng thu hút đầu tư từ nay đến cuối năm như thế nào, thưa ông?

Với những thành công trong cải thiện môi trường đầu tư cũng như điều kiện sẵn sàng đón đầu tư trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư. Với tinh thần đó, trong thời gian tới, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ có khởi sắc tích cực.

Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội những ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các dự án công nghệ cao. Dự kiến trình trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây.

Về cơ bản, những chủ trương, chính sách đã có từ trước trong Luật Đầu tư, đặc biệt trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính phủ về tăng cường thu hút đầu tư có chọn lọc, dự án công nghệ cao chất lượng, hiệu quả, lan toả, giá trị gia tăng cao. Nhưng hiện nay, chúng ta cập nhật hơn để triển khai đồng bộ và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế mới.

Nguồn: baochinhphu.vn