Chuyển đổi số toàn diện gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh

10:42:54 | 3/10/2023

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương Nguyễn Cao Thắng: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Hải Dương xác định chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương 

Nhiều kết quả tích cực

Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm vụ “tăng trưởng xanh, CĐS” đã được các cấp chính quyền và địa phương triển khai một cách đồng bộ, tích cực với 03 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Về xây dựng thể chế số, ngày 26/3/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về CĐS, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch triển khai các nhiệm vụ CĐS của các ngành, lĩnh vực.

Về hạ tầng số: Tỉnh đã triển khai dự án “Xây dựng Hạ tầng công nghệ thông tin cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh”, với tổng số 16 máy chủ cấu hình cao và nhiều thiết bị mạng đồng bộ, dự kiến tháng 9/2023 sẽ chính thức đưa vào vận hành. Các doanh nghiệp viễn thông chú trọng phát triển, nâng cấp các dịch vụ viễn thông với mạng lưới trên 3.229 trạm phát sóng, 359 điểm phục vụ bưu chính phủ khắp toàn tỉnh; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước kết nối đến cấp xã; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) kết nối internet cáp quang; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%. Trung tâm dữ liệu tỉnh hoạt động 24/7 phục vụ cho phát triển chính quyền số.

Đối với nền tảng số: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đã xây dựng và đang tiếp tục phát triển hoàn thiện, kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Đến nay có 14 dịch vụ trên NDXP đã được kết nối với LGSP, 12 hệ thống thông tin có dữ liệu dùng chung của tỉnh đã được kết nối chia sẻ trên LGSP. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nền tảng hóa đơn điện tử triển khai trên toàn tỉnh. Nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, đến nay đã có 2.827.803 tài khoản ngân hàng được mở (đạt trên 100% dân số ở độ tuổi trên 15 tuổi).

Đối với chính quyền số: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thường xuyên được cập nhật các tính năng mạng đảm bảo thân thiện, dễ dùng. Tỉnh thường xuyên rà soát các TTHC đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp hơn 600 TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã, 100% văn bản chỉ đạo, điều hành được gửi nhận trên môi trường mạng (trừ các văn bản mật). Hệ thống hội nghị truyền hình đã được đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp huyện, năm 2023 tiếp tục mở rộng đến cấp xã. Phần mềm họp không giấy tờ đang triển khai thử nghiệm trong các cuộc họp của HĐND tỉnh và HĐND một số huyện và được đánh giá thuận tiện, tiết kiệm nhiều chi phí. Hệ thống báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh được cập nhật số liệu thường xuyên giúp công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh được kịp thời. Đề án 06 của Chính phủ được triển khai một cách quyết liệt, đến nay đa số người dân đã được cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử; 11/23 dịch vụ công thiết yếu có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt trên 80%,…

Đối với kinh tế số, đến nay đã có 173.170 hộ sản xuất được đào tạo kỹ năng số, hơn 1000 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn, 41.131 giao dịch trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Xây dựng và cấp 261 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 1.000ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ứng dụng mã truy xuất nguồn gốc nông sản; 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Năm 2022, kinh tế số chiếm khoảng 8,48% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Đối với xã hội số: Tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo hướng dẫn người dân các kỹ năng số cơ bản, cung cấp chữ ký số miễn phí. Từ đầu năm 2022 đến nay đã có khoảng 325.581 người được đào tạo kỹ năng số.

Kết quả xếp hạng về CĐS, năm 2021 tỉnh Hải Dương đứng thứ 14, năm 2022 xếp thứ 13 trong toàn quốc.


Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhấn nút khai trương giao diện mới Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương ngày 08/6/2023

Gắn CĐS với nâng cao năng lực cạnh tranh

“Sở Thông tin và Truyền thông đang tập trung tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số PCI gắn với ứng dụng CNTT và CĐS. Đặc biệt là đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về đầu tư và giải quyết TTHC trên môi trường mạng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư” - ông Nguyễn Cao Thắng chia sẻ.

Sở tổ chức cập nhật, đăng tải thông tin nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, khai thác, tìm kiếm thông tin về đầu tư trên Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, mở rộng phạm vi cung cấp thông tin trên Fanpage facebook “Trang tin Hải Dương” và trang Zalo “Chính quyền điện tử tỉnh” để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các ứng dụng và các kênh cung cấp thông tin để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đang cung cấp 1.970 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 586 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4). 

Đẩy mạnh CĐS trong doanh nghiệp: Hỗ trợ chi phí chứng thực chữ ký số cho doanh nghiệp mới thành lập; hỗ trợ các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm,...

Đặc biệt, để phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, Sở đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho Trung tâm dữ liệu của tỉnh, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và an toàn thông tin. Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh, triển khai Kho dữ liệu dùng chung, phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh; thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của các cấp chính quyền.

Ngoài ra, tổ chức triển khai hiệu quả Đề án 06, bảo đảm tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tập trung triển khai các dịch vụ công thiết yếu, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến, cung cấp các tiện ích và trải nghiệm mới cho người dân và doanh nghiệp.

Hà Thành (Vietnam Business Forum)