Nhật Bản ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Việt Nam

14:33:42 | 11/10/2023

Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Các dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cho Việt Nam.


Ngày 21/5/2023, tại Hiroshima (Nhật Bản), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ký kết 3 văn kiện trao đổi có tổng trị giá gần 61 tỷ Yên. Đây là cơ sở để Chính phủ Việt Nam hoàn thành các thủ tục ký kết thoả thuận vay cụ thể cho các chương trình, dự án với JICA

ODA phần lớn dành cho cơ sở hạ tầng thiết yếu

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, sau hơn 30 năm, kể từ năm 1992 đến nay, với trên 2.700 tỷ Yên ODA vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam,

Nhật Bản đã dành tỷ lệ rất lớn vốn ODA đầu tư vào Việt Nam cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu. Là quốc gia có công nghệ kỹ thuật hạ tầng hiện đại và tiên tiến bậc nhất thế giới, việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật của Nhật Bản đã và đang được triển khai một cách hiệu quả tại Việt Nam.

Hầu hết các dự án hạ tầng của Nhật Bản đã và đang đầu tư tại Việt Nam có quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như: Sân bay (Nội Bài và Tân Sơn Nhất), cảng biển (Cái Lân, Lạch Huyện, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải), cầu (Thanh Trì, Nhật Tân, Bính, Bãi Cháy, Cần Thơ), đường quốc lộ (đường cao tốc Bắc - Nam các đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường quốc lộ 5, 10, 18), nhà máy điện (Phả Lại, Phú Mỹ, Ô Môn), hạ tầng đô thị (các tuyến metro tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, thoát nước và xử lý nước thải tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương,…)

Không chỉ có vậy, Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam cả hai phương diện phần cứng và phần mềm, hỗ trợ cải thiện môi trường xung quanh các khu công nghiệp cùng với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế có quy mô lớn, mang lại hiệu quả to lớn trong thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Nhật Bản còn giúp Việt Nam tạo môi trường khuyến khích đầu tư nước ngoài với dự án về hoạch định chiến lược phát triển kinh tế thị trường, hoàn thiện cơ chế chính sách. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, đặc trưng ODA Nhật Bản là được sử dụng cho các dự án xây dựng hạ tầng quy mô lớn trong các lĩnh vực quan trọng như phát điện, cấp thoát nước, giao thông vận tải, qua đó cải thiện hạ tầng kinh tế - xã hội và có tác động to lớn trong việc thu hút FDI ở Việt Nam.


Ngày 4/7/2023, tại Hà Nội, đại diện Việt Nam và Nhật Bản ký thỏa thuận vay vốn gần 61 tỷ Yên. Đây là bước triển khai kết quả của 3 văn kiện trao đổi được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa vào ngày 21/5/2023

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Nhật Bản cũng chú trọng hỗ trợ trên cả hai phương diện xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực với các dự án ở các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế…, nâng cao năng lực phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm gia cầm, Covid-19,…

Nguồn vốn ODA từ Nhật Bản đã góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Những đóng góp đáng kể của ODA Nhật Bản đều xuất phát từ những chính sách ODA phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Tháo gỡ khó khăn, tăng cường hợp tác

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, các dự án đầu tư từ Nhật Bản cho cơ sở hạ tầng, giao thông thiết yếu của Việt Nam vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc đối với một số chương trình, dự án, đòi hỏi hai bên phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết. Cụ thể như dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án Đường sắt kết nối TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ và một số dự án quan trọng khác,… Đối với dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, hai bên đã thống nhất cùng giải quyết dứt điểm những vướng mắc trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và quy định của hợp đồng để đưa dự án trở lại thi công trong thời gian sớm nhất.


Cầu Nhật Tân, biểu tượng tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản

Đáng chú ý, trong thời gian tới, phía Nhật Bản rất quan tâm đến Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án Đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ,…

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Nhật Bản là một trong những nước rất phát triển về lĩnh vực đường sắt. Vì vậy, Việt Nam mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng và khai thác hệ thống đường sắt. Việt Nam muốn đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt áp dụng công nghệ tiên tiến, dễ dàng nâng cấp khi có đủ điều kiện.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi của Việt Nam trong giai đoạn tới khá tương đồng với chính sách cung cấp ODA của Nhật Bản; các loại hình cung cấp ODA của Nhật Bản đa dạng như vốn vay, viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật, cung cấp ODA qua bên thứ ba,… phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của Việt Nam.


Đường Võ Nguyên Giáp, tuyến đường trọng điểm có tác động rất lớn đến hạ tầng giao thông Thủ đô Hà Nội, được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước

Nhật Bản có khả năng cung cấp vốn vay ODA cho các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam, nhất là việc triển khai 03 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là để triển khai có hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề xuất hai bên tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác phát triển; phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm các vướng mắc đối với một số dự án sử dụng ODA của Nhật Bản đang triển khai tại Việt Nam.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đề nghị phía Nhật Bản xem xét, cung cấp những khoản vay lớn, tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho những dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và y tế.

“Với nền tảng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, với những nhận thức chung lớn đã được thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng với sự đồng lòng nỗ lực của chúng ta, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhất định sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Nguồn: Vietnam Business Forum