08:30:16 | 20/11/2023
Phú Thọ đặc biệt quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên công nhân Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đoạn qua tỉnh Phú Thọ
Đầu mối giao thông quan trọng
Phú Thọ có hệ thống đường bộ dài 12.291km bao gồm đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, giao thông đô thị và đường giao thông nông thôn (GTNT). Cụ thể, có 62km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cùng 05 nút giao (IC7, IC8, IC9, IC10, IC11) đang khai thác vận hành có hiệu quả, kết nối với thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, trung tâm các huyện Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa và hệ thống quốc lộ, đường tỉnh. Hiện nay, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang được thi công xây dựng với chiều dài qua địa bàn tỉnh 28,9km.
Tỉnh còn có 533km/7 quốc lộ và đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh quy mô kỹ thuật đạt từ cấp IV trở lên; 786km/54 tuyến đường tỉnh quy mô kỹ thuật đạt từ cấp V trở lên; 538km đường giao thông đô thị. Bên cạnh đó, có 10.910km đường GTNT trên địa bàn 13 huyện, thị, thành. Đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ đường GTNT được cứng hóa đạt 76,9%.
Đồng thời, tuyến đường sắt quốc gia Yên Viên - Lào Cai đi qua Phú Thọ dài 75km. Trên địa bàn tỉnh có 03 tuyến vận tải thủy chính trên sông Hồng, sông Lô và sông Đà đạt cấp kỹ thuật từ cấp III đến cấp II. Có 08 cảng thuỷ nội địa đang hoạt động (Cảng thủy nội địa Khánh Dư, Cảng thủy nội địa Việt Trì, Cảng thủy nội địa Hải Linh,…) và 123 bến hàng hóa, 01 bến hành khách và 46 bến khách ngang sông.
Cầu Văn Lang, nối liền huyện Ba Vì (TP.Hà Nội) với TP.Việt Trì (tỉnh Phú Thọ)
Tầm nhìn dài hạn
Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tích hợp các quy hoạch quốc gia về lĩnh vực giao thông vận tải đồng thời định hướng phát triển mạng lưới giao thông của địa phương kết nối với hệ thống giao thông quốc gia. Theo đó, hệ thống đường bộ sẽ hình thành 2 tuyến cao tốc dài 122,5km gồm cao tốc Nội Bài - Lào Cai có quy mô 6 làn xe; cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Hệ thống quốc lộ qua địa bàn có 07 tuyến/533,7km. Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 đạt tối thiểu cấp IV, đến năm 2050 đạt tối thiểu cấp III, đoạn qua đô thị theo quy hoạch xây dựng đô thị hoặc làm các tuyến tránh khu vực đô thị đông dân cư.
Về đường tỉnh: Thời kỳ 2021-2030, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến theo quy mô tối thiểu đạt cấp IV, nơi địa hình khó khăn đạt cấp V và đến năm 2050, từng bước hiện đại với các tuyến đường tỉnh quy mô kỹ thuật tối thiểu đạt cấp III, cấp IV, các đoạn qua đô thị theo quy hoạch xây dựng đô thị hoặc các tuyến tránh các khu đông dân cư, khu đô thị đông đúc.
Việc phát triển hệ thống đường GTNT sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu để phát triển hạ tầng giao thông gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2030, tỷ lệ đường GTNT trên địa bàn toàn tỉnh được kiên cố hóa tối thiểu đạt 90%; định hướng đến năm 2050, 100% đường GTVT được kiên cố hóa, đường huyện, liên xã cơ bản đạt tối thiểu cấp IV, đường xã cơ bản đạt tối thiểu cấp V, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nông thôn.
Hệ thống đường đô thị phát triển theo hướng đồng bộ với quy hoạch xây dựng đô thị và các tuyến tránh khu đông dân cư. Đến năm 2030, 100% các tuyến đường đô thị được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, hiện đại, đến năm 2050 đáp ứng thực hiện được tổ chức giao thông thông minh.
Tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh đến đường tỉnh 320C là công trình được gắn biển kỷ niệm 120 năm thành lập thị xã Phú Thọ
Đường sắt thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; đồng thời đề xuất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ một số nội dung cụ thể như: Trước mắt thời kỳ 2021 - 2030: Nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai từ ga Yên Viên đến ga Lào Cai, đường đơn, khổ đường 1.000mm. Cải tạo nhà ga đón trả khách, đầu tư thiết bị bốc dỡ hiện đại, mở rộng kho bãi hàng hóa của ga Việt Trì để kết nối với cảng thủy nội địa Việt Trì, ga Tiên Kiên, kết nối với các cơ sở công nghiệp, khu trung chuyển hàng hóa; khôi phục hoạt động nhánh đường sắt vào Cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao, huyện Lâm Thao và nhánh vào Cảng Việt Trì, kết nối với tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai.
Đường thủy nội địa thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, trong đó có 03 tuyến vận tải thủy chính trên sông Hồng, sông Đà và sông Lô qua địa bàn đạt cấp II và III.
Nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa hiện có và đầu tư xây dựng mới một số cảng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quy hoạch cụm cảng hàng hóa Phú Thọ với công suất khoảng 10,3 triệu tấn/năm, cụm cảng hành khách Phú Thọ với công suất 100 nghìn lượt hành khách/năm.
Nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc, Phú Thọ có vị trí địa lý mang ý nghĩa là trung tâm tiểu vùng Tây - Đông - Bắc; cách trung tâm Hà Nội khoảng 80km về phía Bắc, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 60km. |
Bên cạnh đó, thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được quy hoạch 02 cảng cạn, gồm: (1) Cảng cạn Hải Linh hiện trạng 2023 có diện tích 5ha, năng lực thông qua 65.000 Teu/năm; giai đoạn đến 2030, diện tích quy hoạch 5ha, năng lực thông qua 65.000 Teu/năm; giai đoạn đến 2050, diện tích dự kiến là 5ha. (2) Cảng cạn Thụy Vân giai đoạn đến 2030, diện tích quy hoạch 5ha, năng lực thông qua 50.000 Teu/năm; giai đoạn đến 2050 diện tích dự kiến là 10ha.
Phú Thọ cũng sẽ phát triển trung tâm logistics gồm trung tâm logistics cấp vùng tại khu vực thị xã Phú Thọ và vùng lân cận khoảng 30 - 50ha và 02 trung tâm logistics cấp tỉnh.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI