Ngành Tư pháp: Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh cởi mở

09:15:04 | 18/3/2024

Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư - kinh doanh, ngành Tư pháp cũng thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ pháp lý, tổ chức đối thoại chính quyền - doanh nghiệp (DN); qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh cởi mở. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Với vai trò “gác cổng về các vấn đề pháp lý” cho hệ thống chính trị địa phương, ngành Tư pháp đã tham mưu, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nào nhằm đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Hậu Giang ?

Ngành Tư pháp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện khá toàn diện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL, như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL; tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn, tọa đàm với thành phần tham dự là đại diện lãnh đạo, công chức pháp chế các sở, ngành, chính quyền cấp huyện cùng các tổ chức, đơn vị liên quan; chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL đảm bảo hiệu quả, kịp thời và đúng quy định pháp luật; thực hiện tốt công tác góp ý, thẩm định dự thảo văn bản QPPL, đây là bước “tiền kiểm” để góp phần đảm bảo tính pháp lý của hệ thống văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành.

Bên cạnh đó, ngành tham mưu thực hiện kiểm tra văn bản QPPL, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL của tỉnh; kịp thời phát hiện các nội dung, quy định trái pháp luật, chồng chéo, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh hoặc không phù hợp để khắc phục hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý; đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ và minh bạch. Các văn bản QPPL sau khi được ban hành được cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận, nắm bắt và thực hiện,...

Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 (Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 22/7/2020), công tác hỗ trợ pháp lý cho DN đã đạt kết quả nổi bật nào ?

Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 21/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết 17/2020/NQ-HĐND ngày 04/9/2020 về việc bổ sung tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa nội dung thông qua việc ban hành Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 22/7/2020 về việc ban hành Đề án hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2020 - 2025 và Quyết định số 1865/QĐ-UBND ngày 30/10/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan, Hội doanh nhân trẻ, Hiệp hội DN tỉnh hàng năm ít nhất 02 lần tổ chức hội nghị triển khai các văn bản quy định về chính sách, ưu đãi, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn.

Cho đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tư vấn, hỗ trợ pháp lý 49 hộ kinh doanh chuyển lên DN; các sở ngành, UBND cấp huyện công bố kịp thời, công khai TTHC, văn bản pháp luật trên cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh và cơ quan, đơn vị cũng như niêm yết công khai tại trụ sở làm việc. Các điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa.

Sở Tư pháp đã tổ chức 02 hội nghị triển khai các văn bản quy định về chính sách, ưu đãi, hỗ trợ pháp lý DNNVV với 280 DN tham dự. Sở cũng kịp thời đăng tải các văn bản pháp luật lên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh như: Luật Hỗ trợ DNNVV; Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, ban hành Đề án hỗ trợ DNNVV; đồng thời trên cơ sở các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 09/3/2023 hỗ trợ pháp lý cho DN; DNNVV trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Sở Tư pháp đã triển khai và thực hiện đạt chất lượng và hiệu quả như: Mua và biên soạn các ấn phẩm, sách, tài liệu tuyên truyền phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN và DNNVV; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây Chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho DN qua phát thanh, truyền hình; kiểm tra, rà soát các văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, thay thế đối với những văn bản không phù hợp với quy định pháp luật về DN.

UBND TP.Vị Thanh đã tổ 02 hội nghị triển khai hỗ trợ pháp lý cho 200 DN tham dự; đồng thời các sở, ban, ngành duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu, văn bản QPPL về thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các văn bản giải đáp pháp luật trong ngành, lĩnh vực và được đăng tải trên trang thông tin điện tử đơn vị.

Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, tỉnh Hậu Giang đặt ra mục tiêu tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho 1.100 DN. Đến nay đã có 12 DN được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và 806 DN được tư vấn pháp lý và đào tạo, đạt 73,27% mục tiêu đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Đề án cũng gặp khó khăn do một số cơ quan triển khai, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch nhưng kết quả đạt được chưa cao; một bộ phận DN, cơ sở kinh doanh còn ít tham dự các hội nghị đối thoại, phổ biến pháp luật; công tác tuyên truyền Đề án chưa thực hiện thường xuyên; một số nội dung chính sách chưa hấp dẫn đối với DN,… và cho đến nay có một số nhiệm vụ chưa thực hiện được như: Hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại; đào tạo lao động;…

Để tháo gỡ khó khăn này, Sở Tư pháp đang phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ DNNVV thay thế Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND; từ đó ban hành Đề án hỗ trợ phù hợp hơn với thực tế của địa phương.


Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2023

Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (ANTT) của tỉnh năm 2022 đạt 7,55 điểm, tăng 0,35 điểm so năm 2021 song có thứ hạng còn khiêm tốn. Ông đánh giá sao về kết quả này; ngành Tư pháp đang nỗ lực ra sao để cải thiện điểm số và thứ hạng?

Chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT gồm 18 chỉ tiêu thành phần được giao cho các ngành Tòa án, Thanh tra, Tư pháp và Công an thực hiện. Năm 2022, điểm chung chỉ số Thiết chế pháp lý và ANNT của tỉnh tăng 0,35 điểm so năm 2021 nhưng thứ hạng còn khiêm tốn. Do vậy, để thực sự tạo những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, ngành Tư pháp đang nỗ lực cải cách, đổi mới hơn nữa. Riêng năm 2023, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản,…

Sở Tư pháp cũng rà soát các chỉ số thành phần, ban hành kế hoạch nâng cao chỉ số do Sở chủ trì; đồng thời phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, Hiệp hội DN tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho DN; nội dung tập trung vào các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng,… Sở cũng phối hợp với Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”, trong đó, có các số chuyên đề về hỗ trợ pháp lý cho DN.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh cải cách TTHC; tăng cường tổ chức đối thoại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN; hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật;…

Ông nhìn nhận thế nào về quá trình hợp tác, đồng hành giữa ngành Tư pháp với DN hai thập niên qua, nhất là việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) những năm gần đây?

Quá trình hợp tác, đồng hành giữa ngành Tư pháp với DN đang ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là những năm gần đây thông qua việc Sở chủ trì tổ chức, phối hợp triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD.

Ngành cũng đã đưa ra các hình thức và biện pháp hỗ trợ nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi và giảm thiểu các rủi ro pháp lý cho DN. Các nội dung hỗ trợ đã tạo điều kiện cho DN nắm rõ hơn, tạo ra cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, minh bạch; hỗ trợ trong giải quyết TTHC và cung cấp thông tin pháp lý đầy đủ, rõ ràng. Đồng thời hàng năm, ngành đều triển khai nhiều hoạt động như: Gửi ấn phẩm, sách, tài liệu pháp luật cho DN; tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN và người làm công tác pháp lý tại DN;…

Thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động thúc đẩy hợp tác, đồng hành cùng DN, nhất là cải thiện chất lượng hỗ trợ pháp lý để đáp ứng nhu cầu của DN nhằm giúp DN hiểu rõ hơn và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tránh vi phạm pháp luật. Đặc biệt, tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản QPPL còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; chủ động đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa các quy định nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động SXKD.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum