Ngành Giáo dục và Đào tạo: Đổi mới, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực

08:57:40 | 16/4/2024

Lạng Sơn đã và đang đẩy mạnh các mô hình mới, cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Điều này phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của địa phương.


Đại hội Công đoàn ngành Giáo dục Lạng Sơn nhiệm kỳ 2023 - 2028

Đột phá phát triển về quy mô, chất lượng

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, ngành GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã không ngừng phấn đấu, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới trường, lớp ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm học 2022 - 2023, Lạng Sơn có 670 trường học, với trên 209.000 học sinh, sinh viên, trong đó hệ thống trường chuyên biệt được củng cố và mở rộng với 108 trường, gồm 97 trường phổ thông dân tộc bán trú, 11 trường phổ thông dân tộc nội trú. Cơ sở vật chất trường lớp được tỉnh, địa phương quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục, chuyển đổi số. Giáo dục dân tộc được quan tâm, chế độ chính sách được đảm bảo. Toàn tỉnh hiện có 275 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 41,8%; vượt chỉ tiêu đề ra). Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học trong toàn ngành đạt khoảng 80%.

Song song với việc quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường về số lượng, chuẩn hóa về trình độ. Các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất năng lực của người học.

Về chất lượng giáo dục các cấp học, chất lượng giáo dục đại trà được duy trì, đảm bảo. Tỷ lệ huy động đầu cấp và duy trì sĩ số đối với giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở chiếm 99,9%. Chất lượng giáo dục dân tộc được duy trì ổn định. Tình trạng học sinh bỏ học được hạn chế. Sau trung học cơ sở, số học sinh vào học trung học phổ thông chiếm 74%; vào học các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp chiếm 12%, học nghề chiếm 4%. Tỷ lệ hoàn thành chương trình các cấp học chiếm tỷ lệ cao, ổn định. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,24%.

Không chỉ đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng có nhiều chuyển biến vượt bậc. Tỉnh đã thực hiện thành công Đề án thí điểm Giáo dục STEM và tiếp tục triển khai mở rộng những kết quả đạt được của Đề án; đẩy mạnh giáo dục, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cuộc thi khoa học kỹ thuật, STEM Robotics,… Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 - 2023, Lạng Sơn có 18 thí sinh đoạt giải, trong đó có 2 giải Nhì, 6 giải Ba, 10 giải Khuyến khích (tăng 5 giải so với năm học 2021 - 2022).

Đặc biệt, bên cạnh việc dạy và học văn hóa, ngành GD&ĐT tỉnh cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh, xây dựng, hình thành những thế hệ học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tỉnh đang tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách về thu hút nguồn nhân lực, tạo ra bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, từ năm 2019, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai thực hiện “Khảo sát, đo lường sự hài lòng đối với chất lượng dịch vụ giáo dục công” nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ giáo viên và phương pháp giáo dục. Đến nay, đã tổ chức 02 lần khảo sát vào năm 2019 và năm 2022, kết quả đánh giá cho thấy mức độ hài lòng của học sinh và phụ huynh học sinh đạt trên 90% (năm 2019 đạt 93,31%; năm 2022 đạt 91,22%). Sở đang soạn thảo tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đo lường sự hài của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn. Dự kiến thực hiện khảo sát trong quý II/2024.

Năm 2022 và 2023, Sở GD&ĐT đều đứng trong Top 10 các sở, ban ngành có thứ hạng cao trong Chỉ số DDCI, cụ thể: Năm 2022 đứng vị trí thứ 05/25; năm 2023 đứng ở vị trí 09/25.

Ngoài ra, ngành cũng đã phát động phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, nhằm tạo môi trường giáo dục an toàn cho học sinh; thay đổi mô hình, cách thức giáo dục rập khuôn, máy móc, lạc hậu; hướng tới mục tiêu cao nhất của giáo dục là: “hạnh phúc và chất lượng”. Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học đạt những bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới giáo dục, hướng đến sự hài lòng của người học.

Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng phục vụ hành chính được thực hiện nghiêm túc. Bộ phận một cửa của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh thực hiện đúng quy định; thời gian giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo 100% đúng hạn, trong đó trước hạn 30%. Thông qua đó, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành (DDCI) nói riêng và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nói chung.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hoàng Quốc Tuấn cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII; triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 63-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới căn bản, phát triển toàn diện GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ; đổi mới cơ chế quản lý, công tác quản lý và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục,...

“Đây cũng chính là nền tảng và động lực quan trọng để Lạng Sơn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục bứt phá, vươn xa, phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương”, ông Hoàng Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)