Kon Tum: Khơi thông, phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế

08:00:22 | 30/4/2024

Khép lại năm 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song Kon Tum vẫn gặt hái những thành quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực. Theo ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh: Có được thành công này là nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; khơi thông, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có, hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Một vài chia sẻ của ông về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) nổi bật mà tỉnh Kon Tum đã đạt được trong năm 2023?

Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà phấn đấu hoàn thành mục tiêu KT - XH giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, năm 2023 UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển, khơi thông nguồn vốn đầu tư, phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC),... Với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành; sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình KT - XH trên địa bàn tỉnh năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 18.938,78 tỷ đồng, tăng 7,32% so với năm 2022, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành trên cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên, trong đó: Khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 5,84%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,66%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 6,71%. GRDP bình quân đầu người khoảng 58,42 triệu đồng, đạt 102,49% kế hoạch, tăng 5,82 triệu đồng so với năm 2022 (52,6 triệu đồng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 27.035 tỷ đồng, đạt 100,13% kế hoạch và tăng 15,51% so với cùng kỳ.

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp (giá hiện hành) là 6.623,27 tỷ đồng, đạt 101,9% kế hoạch và bằng 111,9% so với cùng kỳ năm 2022; ngành công nghiệp, xây dựng (giá hiện hành) là 11.182,13 tỷ đồng, đạt 104,9% kế hoạch và bằng 118,26% so với cùng kỳ năm 2022; ngành thương mại - dịch vụ (giá hiện hành) là 13.962 tỷ đồng, đạt 98,67% kế hoạch, tăng 111,19% so với cùng kỳ năm 2022.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được nâng cao. Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2022, Kon Tum đạt 64,89 điểm, tăng 24 bậc so với năm 2021, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên.

Cùng với những "điểm sáng" trong phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ; chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia được giữ vững.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong năm qua tình hình phát triển KT - XH của tỉnh vẫn còn nhiều điểm nghẽn và các tồn tại, hạn chế. Cụ thể đó là những điểm nghẽn nào, thưa ông?

Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước không đạt kế hoạch; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; công tác đấu giá, khai thác quỹ đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn; việc ban hành giá đất cụ thể còn chậm, quản lý nhà nước về đất đai có mặt còn hạn chế; nông nghiệp chưa phát huy được yếu tố lợi thế và gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ; chưa hình thành nhiều các vùng sản xuất tập trung đối với một số loại cây ăn quả, dược liệu để tạo vùng nguyên liệu lớn; công tác chuyển đổi số còn chậm, việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế,…

Những tồn tại, bất cập trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ngoài các nguyên nhân khách quan (bối cảnh khó khăn chung; địa bàn rộng, chia cắt; thiên tai diễn biến phức tạp; giá cả thị trường leo thang,…) thì còn có nguyên nhân chủ quan: Một số cơ quan, đơn vị của tỉnh, chính quyền các địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt, sâu sát trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; nguồn nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số chưa đồng bộ,...


Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác  thăm vườn sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Năm 2024 được xem là năm "nước rút", có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021 - 2025. Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào?

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm trước, đồng thời tiếp tục khơi thông và phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế kinh tế sẵn có, trong năm 2024, Đảng bộ tỉnh đặt quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT – XH, tạo đà tiến tới hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau:

Thực hiện kịp thời, hiệu quả các quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công – tư với các dự án có sức lan tỏa và tác động lớn tới phát triển kinh tế tại các vùng kinh tế động lực. Có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất để tạo nguồn thu.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Mở rộng diện tích, phát triển bền vững các loại cây trồng chủ lực như: Cây ăn quả, mắc ca, sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác; khôi phục và phát triển cà phê xứ lạnh, vùng nguyên liệu mía. Tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh,…

Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung vào một số ngành có lợi thế cạnh tranh và ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững gắn kết với bảo vệ môi trường như: Chế biến nông, lâm sản, phát triển năng lượng tái tạo, khai thác và chế biến khoáng sản. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, có tính đến năm 2030.

Tập trung phát triển, khai thác các ngành dịch vụ có lợi thế. Nghiên cứu đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ trực tuyến. Nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ du lịch; khai thác tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử,... để thu hút du khách. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức Festival sâm Ngọc Linh - Kon Tum lần thứ I - năm 2024; Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 - năm 2024.

Song song với đó, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung thực hiện tốt công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tăng cường phân cấp, ủy quyền để tháo gỡ vướng mắc theo chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và tình hình thực tế địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh, tạo bước đột phá mới trong công tác cải cách TTHC, trọng tâm là thực hiện giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; nâng cao năng lực và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT - XH.

Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1756/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 và tỉnh cũng đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch này. Thời gian tới, để Quy hoạch phát huy hiệu quả, tỉnh có những giải pháp thực hiện thế nào, thưa ông?

Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 110 triệu đồng/người; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 118.000 tỷ đồng và 2026 - 2030 đạt trên 155.000 tỷ đồng; trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3% - 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64%,...

Quy hoạch đưa ra các đột phá phát triển ở các ngành, lĩnh vực kinh tế như: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến; phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng "ba quốc gia, một điểm đến"; sản phẩm dịch vụ du lịch với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng. Tập trung phát triển hạ tầng khu du lịch sinh thái Măng Đen đạt các tiêu chí của khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm.

Quy hoạch cũng xác định phát triển 03 trung tâm đô thị động lực gồm: Đô thị trung tâm (TP.Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ); Trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi – khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng Đen và khu di lịch sinh thái Măng Đen); phát triển các hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị dọc theo đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và cao tốc Bắc - Nam; hành lang quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; hành lang quốc lộ 40B,...

Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo; là cơ sở pháp lý để thực hiện việc sắp xếp, phân bố lại không gian, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng này, tỉnh quyết tâm phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Bước đầu, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, công bố công khai, rộng rãi nội dung Quy hoạch và kế hoạch thực hiện tới các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch; rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Tổ chức thực hiện Quy hoạch đảm bảo khoa học, chặt chẽ, song phải linh hoạt, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch cấp quốc gia, gắn với đề xuất các cơ chế để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tăng hiệu quả đầu tư phục vụ các mục tiêu phát triển của tỉnh.

Trên nền tảng Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tiềm năng, lợi thế đặc thù sẵn có của tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Kon Tum nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra và ngày càng phát triển vững mạnh, giàu đẹp, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Công Luận (Vietnam Business Forum)