Du lịch Ninh Thuận - Điểm đến hấp dẫn

15:09:47 | 29/5/2024

Từng là một tỉnh “trắng” trên bản đồ du lịch, những năm gần đây, với chủ trương và chính sách thu hút đầu tư phát triển đúng đắn, phù hợp, Ninh Thuận biến vùng đất khô cằn “nắng như phan, gió như rang” thành “nắng vàng, gió bạc”, điểm đến lý tưởng, hấp dẫn của du khách của du khách trong và ngoài nước.


Vườn quốc gia Núi Chúa

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có nhiều tiềm năng khác biệt và lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch. Nơi đây có bờ biển dài hơn 105 km từ huyện Bình Tiên đến Cà Ná, những dãy núi cao nhô ra biển tạo nên những vũng, vịnh với biển xanh, cát trắng, nắng vàng như: Ninh Chữ, Bình Tiên, Cà Ná, đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, Hang Rái,... trong đó, Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là 1 trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam và vườn quốc gia Núi Chúa là 1 trong 9 vùng sinh quyển của thế giới.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận có nền văn hóa lâu đời và độc đáo với nhiều làn điệu dân ca, múa Chăm, phong tục tập quán được lưu giữ; các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm gắn liên với các tháp Chăm cổ kính như: Tháp Pô Klông Garai, tháp Pô Rômê, tháp Hoà Lai hầu như còn nguyên vẹn; Lễ hội Katê độc đáo; dệt thổ cẩm thủ công Mỹ nghiệp, làng nghề gốm Bàu Trúc cổ xưa nhất Đông Nam Á... đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của nền văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, với khí hậu 360 ngày nắng, Ninh Thuận phù hợp cho cây trồng và vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, trở thành thương hiệu, điểm nhấn cho sắc màu Ninh Thuận như: nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam, cừu, dê, dông cát... Tỉnh đã tập trung phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như: Tour tham quan vườn nho ở làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); trang trại nho, táo (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); cánh đồng chăn cừu (huyện Ninh Hải, Bác Ái),... thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan.


Tháp Chăm Po Klong Garai

Đây là tiềm năng vô cùng lớn để Ninh Thuận phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, thể thao, trải nghiệm, văn hóa (đặc biệt di sản văn hóa Chăm), du lịch nông nghiệp... mang nét đặc trưng riêng của địa phương và có khả năng cạnh tranh cao thu hút du khách trong và ngoài nước. Theo đó, để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh này, những năm qua, ngành du lịch Ninh Thuận chú trọng phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững, thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch với quy mô lớn. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng; nhiều loại hình du lịch được đẩy mạnh, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm khám phá.

Tính đến cuối năm 2023, tỉnh có 57 dự án du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 51.690 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch tại Ninh Thuận tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều điểm, khu du lịch có đẳng cấp; đồng thời tích cực khai thác tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách, nhất là du lịch biển, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, văn hóa… Với các điểm du lịch đặc sắc như: Amanoi, Vĩnh Hy, Ninh Chử, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình cùng các điểm vui chơi giải trí, các làng nghề truyền thống…

Năm 2023, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đạt 2,9 triệu lượt khách, tăng 20,8% so với cùng kỳ trước; trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt khách, tăng 239% so với cùng kỳ, công suất sử dụng phòng đạt 65%, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng. Ngành du lịch phát triển đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Vườn nho ở Ninh Thuận

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 với các mục tiêu phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh; có tính chuyên nghiệp; cơ sở kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch (du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, nhất là văn hóa Chăm...); xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu,... Hướng tới hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt, có tính cạnh tranh cao. Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung,...

Để phát triển du lịch, nhằm hiện thực hóa mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Thuận tập trung khai thác tài nguyên du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, độc đáo, mới lạ, xây dựng các điểm du lịch của tỉnh kết nối với các tỉnh lân cận, ưu tiên phát triển 04 sản phẩm du lịch đặc thù: du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa (đặc biệt di sản văn hóa Chăm); nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa; 04 sản phẩm mới lạ: khám phá và vui chơi giải trí cát - muối; săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; 04 sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch.


Biển Cà Ná

Cùng với đó, định hướng phát triển du lịch theo không gian, gồm 04 khu vực:  Không gian trung tâm: du lịch đô thị - di sản - nghỉ dưỡng biển - ẩm thực: Tập trung vào khu vực thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận: hướng đến dịch vụ du lịch vui chơi giải trí, dịch vụ về đêm; Không gian phía Đông Bắc: du lịch sinh thái biển - rừng - nông nghiệp: Tập trung vào khu vực Vĩnh Hy - Bình Tiên - Núi Chúa và Thái An: hướng đến du lịch cao cấp với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng nho và rượu vang; Không gian phía Đông Nam: du lịch nghỉ dưỡng và khám phá độc đáo cát - muối - biển: Tập trung vào khu vực Cà Ná - Mũi Dinh. Hướng đến phân khúc khách du lịch cao cấp với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng muối, nghỉ dưỡng phong cách sa mạc,..; Không gian phía Tây: du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái rừng, thác.

Thanh Loan (Vietnam Business Forum)