Phát triển du lịch công vụ tại Việt Nam: Cần phải tư duy lại

16:38:39 | 12/1/2012

Theo báo của UFI, năm 2010 trên thế giới diễn ra 30.700 cuộc hội chợ (tính với các sự kiện trên 500m2) với trên 2.8 triệu công ty tổ chức tham gia trực tiếp và 260 triệu quan khách tham dự. Mức tăng trưởng tại khu vực Châu Á – Thái Bình dương là 25%/ mỗi năm. Doanh thu từ du lịch công vụ chiếm 1.5% GDP toàn cầu.

Nhằm tìm hiểu thêm về chủ đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Tổ chức Hội nghị & Du lịch chất lượng cao quốc tế (Golden Tour & Convention), Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Hợp tác quốc tế ICT (ICT Promotion Agency).Thu Huyền thực hiện

Chi tiêu du lịch công vụ(Business Travel) chủ yếu là do cơ quan, tổ chức chi trả. Đa số họ họ có mức thu nhập và mức chi tiêu gấp 3-4 lần so với khách du lịch thông thường. Đối tượng khách tham dự loại hình du lịch công vụ này là những người có nhu cầu khảo sát cơ hội đầu tư, kinh doanh, có nhu cầu tham dự các cuộc hội chợ có uy tín, các cuộc xúc tiến đầu tư, gặp gỡ các cơ quan chính quyền, các ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất… để tìm hiểu về chính sách.

Nếu kinh doanh du lịch công vụ giảm 25% trong vòng hai năm liên tiếp, GDP toàn cầu giảm 5%, ngoài ra, việc làm sẽ giảm hơn 1% mỗi năm – tương đương 30 triệu việc làm bị tác động. Điều đó cũng đồng thời đặt ra cho Việt Nam một câu hỏi lớn về việc cần phải tư duy lại tầm quan trọng của việc phát triển du lịch công vụ đối với phát triển ngành du lịch Việt Nam – ông Phạm Tiến Dũng đặt vấn đề.

Tại Việt Nam, thực trạng phát triển dịch vụ du lịch công vụ như thế nào, thưa ông?

Việt Nam có những lợi thế rất lớn so với những quốc gia khác trong khu vực về thiên nhiên, bãi biển và nền văn hóa đa dạng phong phú để phát triển du lịch. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực du lịch công vụ, dù đã được nói đến nhiều nhưng còn tồn tại những mặt yếu.

Ở Việt Nam, hầu hết các dịch vụ dành cho khách du lịch công vụ chỉ diễn ra trong khuôn khổ các hội nghị, hội thảo, hoặc những đoàn khách Incentive (tour khen thưởng), mà ít mở rộng thành đa dạng loại hình dịch vụ vì thế đã không thu hút nhiều khách du lịch công vụ.

Hiện nay, Việt Nam hầu như chưa có hội chợ quốc tế nào mang tầm cỡ lớn, chuyên nghiệp. Các nhà tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm Việt Nam dường như quan tâm đến việc bán gian hàng, hay tổ chức lễ khai mạc hoành tráng, bán vé vào cửa mà dường như quên mất việc tổ chức những chương trình người bán gặp người mua, chắp nối cơ hội kinh doanh nên chưa tạo được sức hút cho doanh nghiệp tổ chức các đoàn khách du lịch công vụ tham dự. Các đơn vị tham dự triển lãm thường hay chú trọng đến gian hàng nhưng tài liệu hay sản phẩm được thiết kế đơn giản, sơ sài, thậm chí tài liệu, danh thiếp mang đi hội chợ quốc tế chỉ có tiếng Việt.

Trung tâm Tổ chức hội nghị & Du lịch chất lượng cao quốc tế - GoldenTour & Convention (GoldenTour) trong suốt 10 năm hoạt động đã khẳng định là một trong những trung tâm hàng đầu về tổ chức tour du lịch công vụ.
Nhờ uy tín và chất lượng dịch vụ, công ty đã được nhiều cơ quan, tổ chức lớn lựa chọn phục vụ đoàn như: Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công đoàn Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tổng công ty Rượu bia và nước giải khát Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Lilama, Công ty Vinaconex, hệ thống ngân hàng như Vietin Bank, Nông Nghiệp & PTNT, Habubank, Eximbank, các hiệp hội ngành nghề như Da giày, Điện tử, Tin học, Dệt may...
Duy trì và phát huy thành quả đã đạt được, công ty tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến một kỷ lục doanh thu vượt 40% trong năm 2012 trong lĩnh vực du lịch công vụ.

Cụ thể thì những nguyên nhân nào đã hạn chế sự phát triển của du lịch công vụ tại Việt Nam, thưa ông?

Do sự phát triển chung cũng như nhu cầu phát triển của loại hình này mới ở giai đoạn bắt đầu nên về cơ sở hạ tầng cũng chưa được phát triển đầu tư lớn như một số nước có ngành du lịch công vụ phát triển khác, và cũng chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tổ chức, cung cấp dịch vụ du lịch chuyên nghiệp tại Việt Nam. Trung Quốc có gần 5 triệu m2 sàn với 2 Trung tâm hội chợ đẳng cấp thế giới (Quảng Châu 338.000 m2, Thượng Hải 200.000 m2) và Singapore Suntec International Convention and Exhibition Centre có trên 100.000 m2 mặt sàn và Phòng hội thảo đa năng không cột lớn nhất Đông Nam Á - 12.000 m2. Còn ở Việt Nam, ngay cả những thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng không có nhiều phòng hội thảo hay trung tâm triển lãm, hội chợ tầm cỡ, chuyên nghiệp. Các trung tâm hội nghị lớn như Trung tâm Hội nghị Quốc gia (tổng diện tích sàn 60.000m2 , phòng lớn nhất 3.500 – 4.000 người hay Trung tâm Hội nghị Triển lãm Tp. Hồ Chí Minh (SECC) diện tích sàn 40.000m2, đều rất khó tiếp cận dịch vụ (chỉ có khoảng 25% các sự kiện lớn diễn ra ở đây).

Theo ông, từ kinh nghiệm các nước trong khu vực, có thể rút ra những bài học gì để tổ chức du lịch công vụ thành công tại Việt Nam?

Năm 2010, Singapore đón 3 triệu khách công vụ, doanh thu khoảng 5 tỷ USD. Thái lan hiện tổ chức hơn 100 sự kiện hội chợ triển lãm lớn trong đó có hơn 20 sự kiện được UFI chứng nhận, mục tiêu năm 2012 sẽ đạt 750.000 người với doanh thu ước đạt 2 tỷ USD. Có thể thấy một chương trình du lịch công vụ của họ rất thành công nhờ cách tổ chức cũng như ưu đãi rất hấp dẫn. Trong chiến dịch “Tối đa hóa Thái Lan” nếu công ty du lịch hoặc tổ chức mang 20 đại biểu tham dự hội nghị quốc tế sẽ được hưởng tới 120.000 baht dành cho một số thị trường mục tiêu, còn đối với chương trình “100 A- HEAD” thì mỗi đơn vị vận động khách thăm quan (công ty du lịch, các hiệp hội hay phòng thương mại), sẽ được thưởng 100 USD / 1 đầu khách (đoàn 15 người 3 ngày/2 đêm). Còn, Singapore từ năm 2009 đã phát động chương trình "2009 lý do để hội họp tại Singapore" với sự liên kết của hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ cao cấp từ taxi, trung tâm mua sắm cho đến khách sạn không chỉ cung cung cấp cho khách du lịch công vụ những chương trình khuyến mãi giá trị, đồng thời còn tạo điều kiện cho những người đi cùng trải nghiệm Singapore, vui chơi giải trí, hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tất cả các chương trình trên đều được thực hiện dưới sự hỗ trợ đặc biệt của các đại sứ quán nước ngoài hay các Tổng cục Du lịch nước ngoài, các đầu mối quảng bá hỗ trợ và phát triển du lịch công vụ.


Để phát triển được nền du lịch công vụ tương xứng với tiềm năng, ngoài yếu tố về kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đa dạng và phải liên tục đầu tư nâng cấp, yếu tố nhân lực là rất quan trọng trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, đặc biệt là loại hình khách du lịch công vụ với nguyên nhân đã đề cập ở trên. Mặt khác nhà tổ chức các chương trình du lịch công vụ cần có tầm hiểu biết, tư duy về nhiều ngành nghề kinh tế xã hội và quản lý khác nhau. Ví dụ, để tổ chức cho đoàn khách công vụ đi khảo sát tại nước ngoài về cải cách hành chính công, quản lý Nhà nước, tham nhũng….thì ngoài các dịch vụ như ăn nghỉ, phương tiện đi lại….., nhà điều hành phải hiểu biết và tư vấn cho khách hàng về quốc gia có nền hành chính công mạnh, có nét tương đồng văn hóa Việt Nam hoặc mô hình có khả năng áp dụng được ở Việt Nam; phối hợp với khách hàng để lên được đề cương công tác, những vấn đề bạn có thể đáp ứng và….sẵn sàng hợp tác truyền đạt kinh nghiệm. Đối với những chương trình xúc tiến thương mại hay xúc tiến đầu tư, nhà điều hành phải hiểu được nhu cầu cả hai phía, tìm được đối tác tiềm năng để khách và bạn có thể rút ngắn thời gian tìm hiểu nhau, tư vấn cho khách hàng chuẩn bị các văn bản cần thiết như Biên bản ghi nhớ (MOU), các chương trình diễn thuyết hay các chương trình thăm hỏi tiếp theo.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phóng truyền thông Công ty Du lịch Vietravel

Trên thế giới mỗi năm đều có các sự kiện, hội chợ xúc tiến thương mại chuyên ngành trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó Việt Nam cũng là nơi có nhiều tiềm năng phát triển. Đối tượng khách công vụ là người có khả năng chi trả cao cho các dịch vụ cao cấp thông qua các sự kiện thu hút giới doanh nhân và chính khách quan trọng. Đây vừa là cơ hội thu hút du khách ở phân khúc cao, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch hữu hiệu. Phần lớn các doanh nhân là chủ của doanh nghiệp có số lượng nhân viên lớn, vì vậy, những hoạt động sự kiện này có nhiều khả năng sẽ “nối dây” một lượng khách tiềm năng khác theo dạng công ty, tập đoàn.

Việt Nam có nhiều cảnh đẹp trải dài khắp đất nước từ Hà Nội, Sapa, Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Tp. HCM, Cần Thơ. Đây cũng là những nơi đủ điều kiện về hạ tầng, trung tâm hội nghị chất lượng cao phục vụ khách quốc tế tham gia loại hình du lịch công vụ tại Việt Nam. Điều cần nhất hiện nay là phải có “sản phẩm” tức là các Hội nghị xúc tiến thương mại, các Hội chợ quốc tế chuyên ngành, các triển lãm quốc tế ở các lĩnh vực: nông nghiệp, y học, ô tô – xe máy, công nghệ cao, viễn thông,… và cần có “các ban tổ chức” triển khai và tiếp thị sự kiện này đến cộng đồng quốc tế. Về phía các doanh nghiệp lữ hành cần chủ động trong việc khai thác các sự kiện tương tự để thu hút đối tượng du khách có nhu cầu xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các nước thông qua hình thức du lịch công vụ.