Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

09:50:58 | 9/6/2024

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Xung quanh nội dung này, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La đã có một số chia sẻ với Vietnam Business Forum.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, Sơn La vẫn thu hút được khá nhiều dự án đầu tư. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những thành công này? Những giải pháp trọng tâm, đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư tại địa phương?

Năm 2023, Sơn La thu hút được thêm 24 dự án, tăng gấp 2 lần so với dự án cấp mới trong năm 2022, với vốn đăng ký 17.587 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2022. Đồng thời, điều chỉnh tổng vốn đầu tư của 4 dự án, với số vốn tăng thêm 505 tỷ đồng. Lũy kế tổng số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đến hết quý I năm 2024 đạt 3.503 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 53.608,708 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới và khu vực. Một số dự án lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như: Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; Nhà máy sản xuất phân bón Sông Lam Tây Bắc; Nhà máy chế biến cà phê Sơn La,…

Năm 2024, để thu hút các nguồn đầu tư, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chung cấp xã, quy hoạch các khu đặc thù chức năng, thống nhất đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để thực hiện việc thu hút đầu tư đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch tỉnh

Tập trung rà soát phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN). Tiếp tục thống nhất mô hình quản lý, vận hành các khu, CCN trên địa bàn; thu hút đầu tư cơ sở chế biến nông sản vào các khu, CCN. Triển khai thực hiện các đề án “Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đủ điều kiện được công nhận vào năm 2025”; Đề án “Định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia, giai đoạn 2022 - 2030”; Đề án “Phát triển du lịch huyện Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030”; Lập các đề án phát triển du lịch huyện Bắc Yên trở thành khu du lịch cấp tỉnh; lập đề án phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2030; Xây dựng và triển khai dự án sản phẩm du lịch khác biệt Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Triển khai lộ trình các bước xây dựng và hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Quan tâm thu hút đầu tư vào các dự án khai thác gắn với chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt như: Nikel, đồng,...

Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, phát triển các trung tâm thương mại tại các đô thị lớn của tỉnh; các dự án siêu thị tổng hợp từ hạng III trở lên tại mỗi trung tâm huyện. Thực hiện giới thiệu, thu hút và chuẩn bị đầu tư các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Rà soát xử lý các dự án vi phạm pháp luật về đầt đai, đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án đã được giao cho thuê nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, chấm dứt các dự án đầu tư theo đúng quy định pháp luật đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Từng ngành, địa phương chủ động rà soát, đánh giá các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trong các ngành, lĩnh vực và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với hệ thống quy định của pháp luật hiện hành và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện thực tiễn của tỉnh Sơn La.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, an toàn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các khu du lịch, điểm du lịch và hạ tầng khác. Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống của khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Triển khai các bước xây dựng và hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Tiếp tục triển khai 04 vùng quả, cây công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Sông Mã (02 vùng), Yên Châu, Thuận Châu. Tổ chức triển khai có hiệu quả đề án, kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp tại tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu. Tích hợp quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La vào năm 2030 vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.

Thu hút và nâng cao hiệu quả hoạt động các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài (FDI). Hỗ trợ tạo điều kiện, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, tăng cường hợp tác.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chính sách, cơ hội đầu tư. Thực hiện tốt công tác vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh, xanh, bền vững.


Lãnh đạo tỉnh Sơn La trao chứng nhận đăng ký đâu tư cho các nhà đầu tư

Tỉnh đã nỗ lực ra sao trong việc cải thiện môi trường kinh doanh; những cam kết về thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới, thưa ông?

Xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, căn cứ vào nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tỉnh Sơn La đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch của tỉnh, của các ngành, các cấp địa phương.

Ngoài Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Sơn La đã tiến hành đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính trên địa bàn được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng; 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại; ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động; khai thác trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với các trang thiết bị hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến,...

Tỉnh cũng đã ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hóa đơn điện tử; hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê kế toán, cải tiến công nghệ, đào tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử,... Thường xuyên thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Sơn La sẵn sàng hỗ trợ thủ tục pháp lý, cung cấp đầy đủ thông tin, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Bình (Vietnam Business Forum)