10:10:01 | 7/6/2024
Sơn La là một trong những tỉnh đang có chuyển biến rất tích cực về giáo dục với tinh thần ưu tiên dành nguồn lực cho lĩnh vực này và định hướng “Đào tạo mũi nhọn song hành với giáo dục toàn diện”. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Quàng Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Sơn La.
Hội nghị sơ kết học kỳ I năm 2023 - 2024 của ngành giáo dục tỉnh Sơn La
Ông có thể cho biết những đổi mới trong quản lý, điều hành và kết quả đạt được của ngành Giáo dục tỉnh thời gian qua?
Trong những năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Sơn La đã đạt được những thành công bước đầu, đặc biệt là trong công tác cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất, bền vững.
Để đạt được những thành công ban đầu này, ngành đã triển khai một số nội dung căn bản trong quản lý, điều hành, như: Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường phối hợp với các trường đại học, các đơn vị đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018. Tích cực tham mưu xây dựng, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tập trung triển khai xây dựng, củng cố phát triển hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.
Ngành tiếp tục đổi mới việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi các cấp nghiêm túc, khách quan, công bằng, có tác dụng thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển sinh, tăng số lượng các trường tuyển sinh vào THPT theo hình thức thi tuyển. Tích cực triển khai các kỳ khảo sát chất lượng quy mô cấp tỉnh đối với các lớp đầu cấp, cuối cấp; các kỳ kiểm tra theo đề chung của trường, phòng và Sở GD&ĐT để kiểm soát chất lượng.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành. Tăng cường đầu tư, cải thiện, chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật các cơ sở giáo dục.
Công tác phổ cập giáo dục của tỉnh đạt được bước tiến vượt bậc. Cụ thể, duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi (đạt 100%); đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2 tại thời điểm tháng 8/2022 (là tỉnh thứ 12/63 tỉnh, thành phố và tỉnh thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2). Đồng thời, Sơn La là tỉnh thứ 45/63 tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La được trao Giải thưởng “Thực hành chất lượng xuất sắc châu Á năm 2022” của Tổ chức Chất lượng châu Á - NQA (công bố tại Hội nghị chất lượng châu Á lần thứ 22 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 27/10/2022); đạt Giải Khuyến khích “Giải thưởng thực hành chất lượng bền vững” của Viện Hàn lâm chất lượng thế giới IAQ (International Acadermy for Quallity), công bố tháng 12/2022 tại Wisconsin, Hoa Kỳ.
Tháng 02/2024, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận TP.Sơn La là thành viên trong mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu (là đơn vị thứ 5 trong toàn quốc đạt được danh hiệu này). GD&ĐT tỉnh Sơn La có tên trên bản đồ giáo dục thế giới cùng với nền giáo dục của các nước phát triển, là niềm tự hào của tỉnh Sơn La nói chung và của ngành Giáo dục Sơn La nói riêng.
Sinh viên ngành Văn hóa - Du lịch tham gia chương trình ngoại khóa trải nghiệm sắc mầu văn hóa dân gian tại bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông hoạt động GD&ĐT ở Sơn La còn gặp những hạn chế nào?
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo tôi hoạt động GD&ĐT ở Sơn La còn gặp những hạn chế như: Công tác phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là đối với giáo dục mầm non, việc phát triển quy mô học sinh được học Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Công tác khảo sát chất lượng đối với các lớp đầu cấp tiểu học, THCS ở một số nhà trường chưa thực chất; công tác giáo dục kỹ năng sống, điều kiện đảm bảo quyền lợi cho trẻ khuyết tật trong các nhà trường còn một số bất cập.
Chất lượng giáo dục toàn tỉnh tuy đã và đang từng bước được cải thiện nhưng còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc. Việc bàn giao chất lượng giữa các cấp học ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả. Chất lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đề ra. Chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa thực sự bền vững, nhất là ở cấp quốc gia.
Hiệu quả của công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT chưa cao. Chưa hình thành kênh thông tin chính thức, chưa có số liệu chính thức đánh giá tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT có tham gia học nghề.
Ông có thể cho biết về một số chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT tại một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn La?
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng GD&ĐT, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo bố trí ngân sách hàng năm cho ngành GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố để thực hiện mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp của các cấp học thực hiện đổi mới chương trình giáo dục theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và tham mưu với Chính phủ:
Tiếp tục xem xét, ưu tiên, quan tâm bố trí ngân sách thực hiện mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp của các cấp học thực hiện đổi mới chương trình giáo dục theo các đề án, chương trình của Trung ương dành cho các tỉnh miền núi khó khăn, trong đó có Sơn La.
Có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo nguồn tuyển dụng giáo viên cho các môn học còn thiếu theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là các môn học thiếu nguồn tuyển dụng.
Có chủ trương, chính sách tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù của ngành GD&ĐT, nhất là đối với vùng khó khăn ở miền núi. Tiếp tục giao bổ sung số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp cấp học mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên cấp THPT cho tỉnh.
Có chính sách hỗ trợ dành cho giáo viên dạy liên trường, giáo viên mầm non trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt, lớp ghép cho trẻ em dân tộc thiểu số; giáo viên dạy hòa nhập.
Có chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng cao thuộc các khu vực đặc biệt khó khăn và đối với những giáo viên thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Công (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI