09:45:56 | 24/9/2024
Không chỉ bám sát chương trình công tác của Bộ Tư pháp, kế hoạch trọng tâm của ngành, Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình còn chú trọng gắn thực hiện nhiệm vụ tư pháp với cải cách hành chính (CCHC), cải cách tư pháp và hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp. Từ đó, có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực
Chia sẻ về những kết quả nổi bật của ngành thời gian qua, ông Đoàn Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình cho biết: Sở đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, trong đó, chú trọng CCHC và HTPL cho doanh nghiệp.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tăng cường thực hiện Luật Nuôi con nuôi
Theo đó, Sở Tư pháp đã thực hiện thẩm định 51 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh; tham gia ý kiến hơn 350 dự thảo văn bản của các bộ, ngành Trung ương và các sở, ban, ngành của tỉnh. Căn cứ trên ý kiến rà soát của các sở, ban, ngành, Sở Tư pháp đã tổng hợp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bãi bỏ toàn bộ 14 nghị quyết; trình UBND tỉnh bãi bỏ toàn bộ 08 quyết định, 02 chỉ thị. Trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố 50 văn bản hết hiệu lực toàn bộ, 08 văn bản QPPL hết hiệu lực một phần; công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Thái Bình kỳ 2019 - 2023.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được triển khai đa dạng về nội dung và hình thức. Sở Tư pháp và các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức 700 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho 84.430 lượt người; 05 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; cấp phát 67.632 bản tài liệu, tờ rơi, sách pháp luật,... Kết quả, tỉnh có 257/260 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 98,8%.
Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Quyết định số 2359/QĐ-UBND ngày 28/09/2021 phê duyệt Chương trình HTPL cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Bình; cập nhật Tập hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh còn hiệu lực kỳ 2019 - 2023 (bản điện tử) gồm 471 văn bản, cập nhật 46 văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh ban hành năm 2024 lên trang cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp để công dân, doanh nghiệp thuận tiện trong tra cứu, sử dụng.
Đẩy mạnh CCHC
Cùng với HTPL cho doanh nghiệp, công tác CCHC, chuyển đổi số luôn được quan tâm đẩy mạnh. Sở Tư pháp thường xuyên rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết, đề xuất các phương án đơn giản hóa trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 06 quyết định về công khai danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, tổng số TTHC ở cấp tỉnh là 121 TTHC (không đổi so với cùng kỳ năm 2023), cấp huyện là 32 TTHC (không đổi so với cùng kỳ năm 2023) và cấp xã là 37 TTHC (không đổi so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện nghiêm túc việc cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định. Tiếp nhận và xử lý xong 47/52 phản ánh kiến nghị gửi đến qua Hệ thống phản ánh, kiến nghị của Cổng dịch vụ công quốc gia.
Sở Tư pháp cũng đã tiếp nhận 14.935 hồ sơ (trong đó, tồn kỳ trước: 917 hồ sơ, tiếp nhận trực tiếp: 2.552 hồ sơ, tiếp nhận trực tuyến: 11.466 hồ sơ) và đã giải quyết xong 14.031 hồ sơ TTHC theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Thái Bình.
Phát huy những kết quả đạt được, theo ông Đoàn Mạnh Huân, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các sở, ngành trong việc tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản của tỉnh để triển khai thực hiện các văn bản pháp luật mới ban hành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giá, Luật Đường bộ,… Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản QPPL mới liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là các văn bản quy định chính sách mới nhằm thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, các chính sách về đất đai, thuế,… Thường xuyên nắm bắt các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết hoặc phối hợp, tham mưu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Với phương châm: “Luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”, ngành Tư pháp đang tích cực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Qua đó, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung.
Lê Nam (Vietnam Business Forum)