08:32:29 | 3/10/2024
20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024)
Ngày 13/10 được gọi là ngày “Tết của doanh nhân”, bởi cách đây 20 năm, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam - nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân vì những cống hiến, đóng góp cho phát triển đất nước. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết đinh lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Những chính sách tạo nên dấu ấn
Trong những năm qua, vai trò của đội ngũ doanh nhân từng bước được nhận thức rõ và Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển, tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tạo bản sắc thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự ra đời của Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho thấy sự nhìn nhận, đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Vị trí của giới doanh nhân cũng lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Quốc hội, Chính phủ luôn đồng hành và đã thông qua nhiều văn bản luật pháp, chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, để doanh nhân Việt Nam thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hiến pháp năm 2013 cũng đã hiến định vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng này. Điều đó đã tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục trụ vững, vượt qua khó khăn, trở ngại, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Đặc biệt ngày 10/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đó 12 năm. Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Nghị quyết 41 là điểm tựa để doanh nghiệp nội địa phát triển trong thời kỳ mới, xứng tầm hơn khi Việt Nam vươn mình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển.
Trưởng thành và phát triển lớn mạnh
Những năm qua, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế. Năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân so với 5,4 doanh nghiệp năm 2016. Giai đoạn 2017-2020, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và liên tục tăng, từ 41,75% (2017) lên mức 42,68% (2020).
Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có khoảng 800.000 doanh nghiệp, cùng với các DNNN, các doanh nghiệp FDI, các HTX tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong Top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.284,5 USD.
Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước. Hiện khu vực doanh nghiệp cũng đóng góp hơn 40% GDP, với khoảng 50% nguồn thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, có thể coi việc thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tiềm lực như: Viettel, Geleximco, Vingroup, Vinamilk, FPT, Thaco, TH Group… Những doanh nghiệp này đang ngày một lớn dần về cả về quy mô, năng lực cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ, quản trị điều hành, công nghệ… Việt Nam đã có một số doanh nhân đã lọt vào danh sách “Tỷ phú USD” toàn cầu và nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 1.716 dự án với tổng vốn đầu tư gần 22,12 tỷ USD.
Có thể nói, doanh nhân chính là lực lượng chủ công, xung kích trong công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cộng đồng doanh nhân còn nhiều hạn chế chưa khắc phục được, đó là năng lực cạnh tranh doanh nghiệp vẫn ở mức trung bình so thế giới, chưa đạt mục tiêu lọt vào nhóm 3, nhóm 4 của ASEAN,... Việc khơi dậy, phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam chưa được quan tâm tương xứng, chưa thật sự trở thành nguồn lực phát triển bền vững cho đất nước…
Thử thách tôi luyện thành công
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, “lịch sử cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước thử thách lại được tôi luyện thêm sự kiên cường, bền bỉ, bản lĩnh, sự linh hoạt và tinh thần đổi mới sáng tạo”.
Thủ tướng khẳng định, “Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa, luôn tin tưởng vào doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển cùng đất nước, chung tay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
TS.Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng, để tiếp tục phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng nhất, có tính đột phá trước mắt và lâu dài. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân. Phát triển đội ngũ doanh nhân trên cơ sở phát triển
nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có kiến thức nổi bật, sáng tạo và có kinh nghiệm thực tế trong hoạt động kinh doanh. với cơ chế thị trường, thích ứng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngoài ra, theo TS.VNMạc Quốc Anh, cần xây dựng các chuẩn mực mới về văn hóa doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực xã hội và nền kinh tế thị trường. Đó là những doanh nhân có trí tuệ, kiến thức chuyên môn sâu rộng, có ý chí phấn đấu làm giàu cho bản thân và đất nước, lòng tự hào dân tộc, khả năng cạnh tranh và hội nhập, có đạo đức kinh doanh, năng lực quản lý hiện đại, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp, lợi ích nhà nước và xã hội. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Tổ chức thành lập, liên kết các hiệp hội doanh nghiệp để tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội; tập hợp và phản ánh những mong muốn, ý kiến, kiến nghị của doanh nhân, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách kinh tế - xã hội; triển khai các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân...
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, “sứ mệnh” của VCCI là đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn, mà cao hơn là thực hiện vai trò nòng cốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, hướng đến mục tiêu, khát vọng chung của toàn dân tộc là đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Bởi vậy, bên cạnh những chương trình, hoạt động mang tính truyền thống VCCI triển khai thường niên, VCCI cũng tập trung triển khai toàn diện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ trong hệ thống VCCI mà toàn xã hội, phối hợp với Ban Kinh tế trung ương, các cơ quan, ban, ngành trung ương, địa phương thực hiện thắng lợi, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đặc biệt, VCCI thúc đẩy mạnh mẽ công tác xây dựng đạo đức văn hoá kinh doanh. Đây là chiến lược lớn, VCCI sẽ thực hiện không chỉ trong nhiệm kỳ VII mà nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm, nhiều thế hệ,…
“Với nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số từ 2-3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới”. Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI (Trích phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023) |
Lan Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI