Hà Nội nâng cao các giá trị sản phẩm làng nghề, hướng tới xuất xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ

14:29:55 | 28/10/2024

Trong nỗ lực hội nhập, phát triển và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Hà Nội đã ký kết hợp tác với Hội đồng Thủ công thế giới để phát triển bền vững làng nghề. Bên cạnh việc phát huy các giá trị truyền thống thì các làng nghề của Hà Nội  cũng cần tiếp thu, sáng tạo các mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với văn hóa và thị hiếu của các nước phát triển. Từ đó, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra Thế giới, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề của Thủ đô.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tiếp Đoàn công tác của Hội đồng Thủ công thế giới

Vừa qua, Hội đồng Giám khảo quốc tế thuộc Hội đồng Thủ công Thế giới đã có một tuần làm việc tại Việt Nam nhằm khảo sát đánh giá làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc của thành phố Hà Nội đề cử trở thành thành viên Mạng lưới thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu.

Theo đó, Hội đồng giám khảo quốc tế thuộc Hội đồng Thủ công Thế giới (WCC) gồm ông Aziz Murtazaev, Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APR); Tiến sĩ Sitthichai Smanchat, Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công khu vực Đông Nam Á; và bà Nadia Meer, Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới khu vực Châu Phi.

Thúc đẩy chính sách phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội

Sau một tuần khảo sát tại các làng nghề: Gốm sứ Bát Tràng, Dệt lụa Vạn Phúc, Mây tre đan Phú Vinh, Nón Chuông và các cuộc làm việc với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, UBND thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND xã Bát Tràng (Gia Lâm) và UBND xã  Vạn Phúc (Hà Đông), ông Aziz Murtazaev, Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ lòng cảm ơn chân thành trước sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu của lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Việt Nam, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, lãnh đạo các địa phương và đông đảo nghệ nhân, doanh nhân và các chủ thể sản xuất kinh doanh những nơi đoàn tiến hành khảo sát, đánh giá. Cùng với sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chức và cá nhân có liên quan, đoàn công tác đã hoàn thành tốt đẹp chương trình công tác tại Việt Nam, góp phần cụ thể hóa mục tiêu đã cam kết giữa UBND thành phố Hà Nội và Hội đồng Thủ công Thế giới đã ký kết hợp tác năm 2023. Trong chuyến khảo sát lần này, các thành viên đoàn đã có cái nhìn toàn cảnh về hai làng nghề và thực sự ấn tượng với lịch sử, truyền thống cũng như những giá trị nghệ thuật mà các nghệ nhân nơi đây gìn giữ. Hà Nội có tiềm năng phát triển làng nghề lớn và cần xem đây là một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển. Trong thời gian tới thành phố tăng cường đầu tư và quảng bá để sản phẩm của Hà Nội được biết đến rộng rãi hơn trên thị trường quốc tế. Ông Aziz Murtazaev nhấn mạnh.


Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tặng quà lưu niệm đoàn Hội đồng Giám khảo quốc tế thuộc Hội đồng Thủ công Thế giới 

Theo Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, đoàn công tác đã khảo sát, đánh giá các tiêu chí nhằm xem xét công nhận làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng nghề lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Hội đồng Thủ công thế giới đã đánh giá làng nghề gốm Bát Tràng không chỉ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một làng nghề truyền thống mà còn xứng đáng trở thành thành viên của mạng lưới này. Đồng thời, Hội đồng cũng ghi nhận những giá trị đặc sắc của làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, nhất là bề dày văn hóa và lịch sử phát triển của nó.

Với những thế mạnh của mình, trong thời gian tới, Hội đồng Thủ công Thế giới cam kết sẽ tích cực đồng hành với thành phố Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trong mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề, thúc đẩy xây dựng công nghiệp văn hóa. Nhằm nâng cao hơn nữa việc quảng bá và bảo tồn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, dựa trên những quan sát và các thực tiễn tốt nhất trên toàn cầu ông Ông Aziz Murtazaev đưa ra các khuyến nghị: Thứ nhất, Hợp tác quốc tế: Thúc đẩy hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn bằng cách tham gia vào các hội chợ và triển lãm nghệ thuật toàn cầu. Thiết lập chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ các nghệ nhân và tổ chức các lễ hội quốc tế tại mỗi làng nghề. Lễ hội cần phải có tính quốc tế kèm theo hội thảo khoa học. Tổ chức lễ hội quốc tế vào tháng 11/2025 quy mô 80 quốc gia và 500 đại biểu là thị trưởng của các Thành phố Nghệ thuật nhằm xây dựng mối quan hệ kinh tế và văn hóa chặt chẽ. Thứ 2, Hỗ trợ đổi mới và hiện đại hóa: Tiếp cận đổi mới và ứng dụng kỹ thuật hiện đại có thể giúp sản phẩm thủ công Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Khuyến khích các nghệ nhân kết hợp các yếu tố thiết kế hiện đại mà không làm mất đi tính xác thực có thể gia tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm thủ công Việt Nam. Đề xuất Ông Đỗ Văn Hiến  nghệ nhân làng nghề Vạn Phúc được Chính phủ ghi nhận đã sáng tạo thẻ brocade kỹ thuật số. Thứ 3, Chương trình giáo dục và chuyển giao kiến thức: giới thiệu các chương trình giáo dục chuyên biệt tập trung vào việc truyền đạt các kỹ năng thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ. Những sáng kiến này có thể đảm bảo tính bền vững của các thực hành này đồng thời thu hút tài năng mới vào lĩnh vực này. Thứ 4, Khuyến khích kinh tế cho các nghệ nhân: Tạo chính sách đặc thù cho nghệ nhân làng nghề như: miễn thuế hoặc cấp trợ cấp, có thể giúp thúc đẩy sản xuất và đổi mới trong lĩnh vực này. Cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, Thiết lập một bảo tàng làng nghề tại Vạn Phúc.

Hà Nội xác định làng nghề là một trong những thế mạnh phát triển.

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề Hà Nội, trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; xây dựng thí điểm 6 mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề; hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch đối với 2 làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung phát triển mạnh các cụm công nghiệp nhằm thu hút cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ra khỏi các khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cháy nổ trong các làng nghề. Đến nay, TP có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và 43 cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước, và khẳng định rằng Hà Nội xác định làng nghề là một trong những thế mạnh phát triển của mình. Sự phát triển của các làng nghề đã giúp mang văn hóa Hà Nội và của Việt Nam ra thế giới, để giao lưu với các nước bạn; qua đó khẳng định: trong bối cảnh nào, Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hóa vô cùng đặc sắc.

Phó chủ tịch mong muốn Hội đồng Thủ công thế giới hỗ trợ Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững các làng nghề, bảo đảm người dân không chỉ sống được bằng nghề mà còn có thể trở nên giàu có nhờ vào nghề truyền thống.Về một số nội dung khuyến nghị của đoàn Hội đồng Thủ công Thế giới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho ý kiến:

Về lời mời lãnh đạo thành phố và đoàn nghệ nhân Hà Nội tham dự Lễ hội Làng nghề Quốc tế năm 2025 tại Uzibekistan, Hà Nội sẽ cử đoàn tham gia sự kiện trên cùng thế giới để thể hiện rõ tinh thần hợp tác. Hà Nội xem đây là một cơ hội để kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người.

Trước mắt trong năm 2024, xem xét tư cách này đối với làng gốm sứ Bát Tràng và Làng dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc. Cũng như sự hỗ trợ của Hội đồng trong việc tổ chức làng nghề kết hợp với giao lưu thúc đẩy thương mại quốc tế tại lễ hội truyền thống của hai địa phương này và lễ hội làng nghề của thành phố với các quy mô khác nhau.

Trong kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố, Hà Nội đang phối hợp đơn vị tư vấn của Pháp khôi phục không gian bảo tồn làng nghề tại Bát Tràng và Vạn Phúc như những bảo tàng để lưu giữ văn hóa vật thể và phi vật thể về phát triển làng nghề tại hai địa phương trên. Trong đó có nội dung khôi phục lại các mẫu sản phẩm cổ, các di chỉ văn hóa qua các thời kỳ có liên quan đến việc hình thành và phát triển làng nghề. Qua đó, tạo sự hấp dẫn đối với khách du lịch thăm quan, nghiên cứu, tìm hiểu về làng nghề.

Hà Nội xác định việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trẻ lành nghề tham gia phát triển nghề là yếu tố linh hồn của làng nghề trong bối cảnh hội nhập và sáng tạo hiện nay. Từ đó, đặt ra vấn đề cần có các chính sách tốt về thu hút đầu tư, trọng dụng nhân tài, kết nối và mở rộng thị trường để tạo ra sự thịnh vượng bền vững cho các làng nghề và người làm nghề. Hà Nội có trung tâm khuyến công để hỗ trợ làng nghề và nghệ nhân làng nghề.

Hà Nội đã và đang hình thành các cụm công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ ở các địa phương có nghề nhằm kịp thời hỗ trợ cơ sở vật chất cho các làng nghề phát triển.

Trong thời gian tới đây, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Trong định hướng đó, Hà Nội mong muốn Hội đồng Thủ công Thế giới với những thế mạnh của mình sẽ tích cực đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm giúp Hà Nội tổ chức Festival làng nghề quốc tế vào năm 2025 gắn với hoạt động kết nối giao thương, thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong lĩnh vực này. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo làng nghề của thành phố và của các địa phương, Hà Nội đề nghị Hội đồng Thủ công Thế giới hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội làm đầu mối phối hợp thường xuyên giữ liên lạc và cập nhật, trao đổi thông tin hợp tác giữa Thành phố Hà Nội với Hội đồng Thủ công Thế giới. Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội căn cứ vào các quy định hiện hành tham mưu trình Thành phố các chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề nói chung, chính sách về nghệ nhân, thợ giỏi, người có thành tích đặc biệt trong việc gìn giữ tinh hoa làng nghề Việt như trường hợp nghệ nhân Đỗ Văn Hiển ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Một số hình ảnh của đoàn tại các làng nghề Hà Nội







Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)