Làng nghề lụa Vạn Phúc: Gia tăng các giá trị và phát triển bền vững

13:24:26 | 25/10/2024

"The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng, lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn" câu ca dao ca ngợi những làng nghề dệt may truyền thống của Hà Nội, trong đó, Vạn Phúc là làng nghề nổi tiếng nhất bậc nhất Việt Nam về nghề làm lụa, được coi là biểu tượng văn hóa và niềm tự hào của vùng đất quê lụa Hà Đông.


Hội đồng Thủ công thế giới đến khảo sát, đánh giá để xem xét công nhận làng nghề Vạn Phúc

Làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc Hà Đông đã được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng.

Lụa Vạn Phúc có nhiều loại như: Gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi... Dù ở loại nào cũng đạt tới mức hoàn mỹ, sợi vải mịn óng, mềm mại với màu sắc óng ánh, đường nét tinh tế khi nổi khi chìm, có loại trang nhã, có loại rực rỡ. Khoác lên người thấy mềm mại, nhẹ nhàng và sang trọng, chính vì vậy, xưa kia, lụa Vạn Phúc thường được sử dụng để may quần áo, trang phục cho các bậc vua chúa, quan lại. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là một trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương. Từ năm 1958 cho đến nay, tơ lụa Vạn Phúc đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, tạo nên tiếng tăm về một làng nghề truyền thống của Việt nam. Mỗi tấm lụa đều được tạo ra từ quy trình dệt tinh xảo, kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống và vẻ đẹp hiện đại. Từ những chiếc áo dài duyên dáng đến các khăn choàng sang trọng, sản phẩm lụa Vạn Phúc liên tục đổi mới, kết hợp họa tiết cổ điển với phong cách hiện đại để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng nội địa và quốc tế.


Hội đồng Thủ công thế giới gặp gỡ nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết, trải qua 1.200 năm hình thành và phát triển, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc đã có nhiều đổi thay. Những chiếc khung cửi truyền thống ngày nào giờ đã được thay thế bằng máy dệt hiện đại. Hiện nay, làng lụa Vạn Phúc có hơn 130 máy dệt với 400 hộ tham gia sản xuất lụa, ngoài ra có 244 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề với khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh khác nhau. Trong các loại lụa cổ truyền, nổi tiếng nhất là lụa vân có hoa nổi bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng. Lụa vân được làm hoàn toàn từ tơ tằm tự nhiên, không quá bóng bẩy mà hài hòa, trang nhã; ánh lụa tự nhiên vô cùng bắt mắt khi ra nắng, khi mặc ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Để dệt được loại lụa này, người thợ phải dệt với hai loại vo dây và vo võng rất khó. Người dệt lụa vân phải đạt đến trình độ tinh xảo, vì thế nên ở trong làng không phải nhà nào cũng có thể dệt được lụa vân cổ.


Hội đồng giám khảo quốc tế và Hội đồng Thủ công thế giới đã ghi nhận những giá trị đặc sắc của làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc

Trên cả nước có nhiều làng nghề truyền thống dệt lụa, nhưng dường như chỉ có làng Vạn Phúc mới dệt được lụa vân. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn được làm theo kiểu truyền thống xưa. Nếu có thay đổi, thì cũng chỉ cải tiến về các thiết bị để sản phẩm ngày càng đẹp và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Đây cũng chính là nét đặc trưng của làng.

Cùng với việc lưu giữ và phát triển nghề dệt lụa truyền thống, những năm gần đây làng lụa Vạn Phúc dần đổi mới, trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Duy trì sản xuất các sản phẩm lụa truyền thống kết hợp hiện đại, gắn với phát triển loại hình du lịch văn hóa đang là hướng đi chủ đạo của làng lụa Vạn Phúc. Phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Cùng với việc tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn, mang đến một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường, các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố Lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch Thành phố về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng.

Vừa qua,  Hội đồng giám khảo quốc tế, Hội đồng Thủ công thế giới đã đến khảo sát, đánh giá để xem xét công nhận làng nghề Vạn Phúc (quận hà Đông – Hà Nội) trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu. Trong quá trình này, Hội đồng đã tiếp xúc với các cơ sở sản xuất, gặp gỡ các nghệ nhân, và khảo sát các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế cũng như khả năng hội nhập quốc tế. Họ đã đánh giá cao những giá trị đặc sắc của làng nghề, đặc biệt là bề dày văn hóa và lịch sử phát triển liên tục qua hàng thế kỷ.

Hội đồng giám khảo quốc tế và Hội đồng Thủ công thế giới đã ghi nhận những giá trị đặc sắc của làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, đặc biệt là bề dày văn hóa và lịch sử phát triển kéo dài hàng ngàn năm. Họ đã biểu dương phân khúc dệt thủ công của làng, đặc biệt là trong lĩnh vực tạo mẫu dệt. Tuy nhiên, để tiến xa hơn trong mạng lưới thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu, làng cần xây dựng một bảo tàng nghề, nơi lưu giữ nhiều tư liệu giá trị liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển, đồng thời tôn vinh những nghệ nhân xuất sắc.

Hội đồng cũng cho rằng các nghệ nhân trong làng đã khéo léo áp dụng công nghệ vào quy trình tạo mẫu thủ công. Những sáng tạo của nghệ nhân Đỗ Văn Hiển là một ví dụ tiêu biểu, và ông cũng xứng đáng được công nhận bởi thành phố Hà Nội vì những đóng góp của mình cho nghề dệt lụa Vạn Phúc, đặc biệt là sáng chế thẻ brocade kỹ thuật số đã mang lại nguồn lợi đáng kể cho tất cả các nghệ nhân. Vạn Phúc cần được hỗ trợ các chương trình giáo dục chuyên biệt nhằm truyền đạt kỹ năng dệt thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong đó, 70 loại dệt nên được ghi chép lại thành một ấn phẩm và đào tạo các nghệ nhân về từng loại. Những nỗ lực này có thể đảm bảo tính bền vững của các thực hành dệt trong khi thu hút tài năng mới vào lĩnh vực này.

Để phát huy tiềm năng, làng nên mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế cũng như xây dựng một hệ sinh thái làng nghề hoàn chỉnh. Cần thiết lập các chính sách mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ các nghệ nhân và tổ chức các lễ hội quốc tế trong khuôn khổ Lễ hội làng nghề Vạn Phúc. Hội đồng Thủ công Thế giới sẵn lòng hỗ trợ địa phương trong việc kết nối với các thành viên trong mạng lưới thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu, quảng bá lụa Vạn Phúc qua các buổi trình diễn thời trang phương Tây với các bộ sưu tập hợp tác cùng những nhà thiết kế danh tiếng. Điều này sẽ giúp thu hút khách du lịch và biến những thành phố này thành điểm đến hấp dẫn hơn.

Việc có thể trở thành thành viên Mạng lưới thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu, là cơ hội tuyệt vời để làng lụa Vạn Phúc kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững những giá trị truyền thống và nghệ thuật, tạo ra những sản phẩm vươn ra tầm quốc tế, lan tỏa tinh hoa và bản sắc tâm hồn Việt.

Bảo Đan (Vietnam Business Forum)

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội