10:29:18 | 25/11/2024
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được cả nghìn tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này. Theo lộ trình, đến năm 2025 Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
Thị trường mua bán tín chỉ carbon là một cơ chế kinh tế nhằm giảm lượng khí thải CO2 bằng cách đặt giới hạn phát thải và cho phép các công ty mua bán tín chỉ carbon.
Theo đó, mỗi doanh nghiệp, nhà máy sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì đơn vị đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến được ngày càng nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thu. Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp).
Thực tế trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon, thu “tiền tươi thóc thật” với giá trị lên đến khoảng 60 triệu USD. Trong đó, Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam đã triển khai tại 53 tỉnh, đến nay đã có 181.683 công trình khí sinh học được xây dựng đã đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở khu vực nông thôn. Thông qua Chương trình này, Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD.
Năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng.
Theo đánh giá, ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ… Tiềm năng ngành nông nghiệp có thể cung cấp khoảng 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải), có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chủ yếu tham gia thị trường carbon tự nguyện nên giá bán thấp, chỉ 5 USD/tín chỉ, do Việt Nam chưa có các ký kết song phương, nên chưa thể bán tín chỉ carbon ở thị trường bắt buộc – thị trường có giá bán lên đến vài trăm USD/tín chỉ. Thị trường tự ngyện dễ tham gia nhất, nhưng sẽ có thời gian định mức đánh giá. Nếu quá hạn thì hệ thống sẽ tự động đưa tín chỉ carbon về 0. Thị trường bắt buộc không phải điều chỉnh hạn ngạch, trong khi thị trường tự nguyện lại điều chỉnh theo từng năm. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã từng bước nâng mức hạn ngạch này như một cách thể hiện trách nhiệm trong NDC- cam kết tự nguyện của mỗi quốc gia.
Để bán được tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện, mỗi quốc gia phải tạo ra lượng carbon dôi dư vượt mức NDC. Vấn đề quan trọng trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon là phải định giá được carbon. Quốc tế có 3 hệ thống đánh giá, nhưng tại Việt Nam chỉ có thể sử dụng 2, đó là hệ thống trao đổi hạn ngạch và cơ chế tín chỉ carbon.
Việt Nam lựa chọn vận hành thị trường carbon để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới một thị trường carbon tuân thủ, có sàn giao dịch, bắt buộc các đối tượng liên quan phải thực thi. Mặt hàng chính trên sàn giao dịch carbon là hạn ngạch phát thải khí nhà kính áp cho từng doanh nghiệp và tín chỉ carbon chỉ là mặt hàng bù đắp.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.
Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đặc biệt, năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng ban hành tổng hạn ngạch phát thải cho từng giai đoạn, qua đó sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải carbon cho các doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính.
Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới…
Tin chỉ carbon không chỉ là công cụ quản lý và bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội kinh doanh và phát triển.Việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ mang lại lợi ích kinh doanh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Những lợi ích to lớn này đang là mục tiêu hướng tới của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Phương Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI