10:42:33 | 8/12/2024
Để xây dựng Cần Thơ phát triển xứng tầm quy mô và trở thành đô thị tiên phong, hình mẫu về ứng phó biến đổi khí hậu, xanh, bền vững, thành phố đang thực hiện nhiều hướng đi, giải pháp đồng bộ, trong đó có việc thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao với dòng tài chính - công nghệ xanh; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh hướng đến sản xuất - kinh doanh bền vững. Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Cần Thơ đã chia sẻ về vấn đề này.
Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Cần Thơ |
Ông có thể cho biết tình hình thu hút, triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn những năm qua; Cần Thơ đang theo dõi, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tiến độ các dự án thế nào?
Giai đoạn 2022 - 2024, TP.Cần Thơ đã cấp mới 12 dự án với tổng vốn đăng ký 175 triệu USD; tăng vốn 08 dự án với số vốn tăng thêm 57 triệu USD. Lũy kế đến tháng 11/2024, Cần Thơ có 81 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2.220 triệu USD.
Hàng năm, thành phố đều tổ chức các chuyến xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước; gặp mặt và làm việc với đối tác nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, chính sách và dự án mời gọi đầu tư.
Cũng nhờ vậy, nhiều tổ chức, tập đoàn lớn, đa quốc gia với tiềm lực tài chính mạnh đã, đang tìm hiểu các cơ hội đầu tư tại Cần Thơ. Đặc biệt, việc ký kết, trao bản ghi nhớ với nhà đầu tư tại Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư vào cuối năm 2023 càng khẳng định sự quan tâm của nhà đầu tư. Tin tưởng rằng khi Khu công nghiệp (KCN) VSIP Cần Thơ đang triển khai xây dựng khi đi vào khai thác, vận hành sẽ thu hút nhiều dự án FDI.
Từ tháng 7/2023, thành phố đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ xúc tiến đầu tư và tháo gỡ khó khăn, cho doanh nghiệp; trong đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực. Với trọng trách được giao, Sở thường xuyên tổng hợp ý kiến, tham mưu Tổ công tác tổ chức các cuộc họp tháo gỡ khó khăn. Hàng năm, Sở đều phối hợp với các sở, ngành tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành nhằm nắm bắt tình hình triển khai các dự án; ghi nhận những vướng mắc để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chứng kiến Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường trao văn kiện hợp tác đầu tư
Trung tâm thương mại Aeon Mall Cần Thơ
Thời gian tới, với xác định: “Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư - kinh doanh”, thành phố chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công tác của công chức, cán bộ trong các cơ quan, đơn vị. Xác định lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, thành phố cũng tiếp tục rà soát, có ý kiến góp ý đối với các quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất để các cơ quan Trung ương xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Thành phố còn thực hiện các hoạt động tháo gỡ các điểm nghẽn về môi trường đầu tư - kinh doanh như: Tổ chức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin kịp thời và lắng nghe đầy đủ các ý kiến đóng góp, những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh; triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ theo quy định,…
Từ tiềm năng, lợi thế đã định hình rõ nét sau khi Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đẩy mạnh triển khai, Cần Thơ sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nào, thưa ông?
Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững;… Quy hoạch cũng xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ quy hoạch; tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án có tác dụng lan tỏa lớn tạo động lực phát triển cho thành phố. Phát huy tối đa nội lực và ngoại lực, đặc biệt là các liên kết vùng và kết nối hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng yếu tố thị trường và hợp tác giữa các thành phần kinh tế; lấy công nghệ hiện đại làm trọng tâm; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam vinh danh và trao tặng danh hiệu Thành phố Xanh Quốc gia cho TP.Cần Thơ
Trên cơ sở đó, thành phố đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển gồm: Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính chiến lược và lan tỏa; thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu phát triển; tái cấu trúc không gian đô thị, đặc biệt trong các quận trung tâm, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; tạo quỹ đất phát triển những khu vực trọng điểm cấp vùng về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, dịch vụ.
Thành phố xác định các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm:
Về công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông, thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện, tự nhiên, lợi thế địa phương. Di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ven sông Hậu tạo quỹ đất để phát triển đô thị và dịch vụ chất lượng cao; di dời các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp.
Thương mại - dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm phân phối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu; đẩy mạnh thương mại điện tử; ưu tiên dịch vụ logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa - thể thao.
Về nông nghiệp - thủy sản: Tập trung phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở tích hợp đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành. Cùng với đó, phát huy lợi thế, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh đạt tiêu chuẩn. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai.
Về môi trường, sẽ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường; phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, TP.Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp. Tính hiệu quả của các hoạt động này ra sao, thưa ông?
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được thành phố triển khai khá quyết liệt và đạt những kết quả tích cực.
Thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu tạo lập khung pháp lý về hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương. Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đã có nhiều nỗ lực trong triển khai, tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, đặc biệt là lề lối, tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đã được các cấp các ngành trên địa bàn thành phố quan tâm hơn, nhận được sự hưởng ứng, ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều sở, ngành đã ban hành, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời bổ sung căn cứ pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế chuyển dịch của các doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ.
Điểm nổi bật là các hoạt động dần được chuyển đổi theo hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ nâng cao nhận thức sang tác động trực tiếp, theo hướng tích cực hơn. Các khóa tập huấn, đào tạo, hội thảo đã tác động tích cực đối với học viên, đặc biệt là các khóa đào tạo trực tiếp (1-1). Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tiếp cận tài chính, bảo lãnh tín dụng, đổi mới công nghệ, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kế toán,… đã thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, kết nối mạng lưới sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường. Ngoài ra, thành phố đã hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn giao dịch trực tuyến như Tiki, Lazada, Voso, Shopee,…
Nhờ vậy, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng cộng đồng kinh doanh trên địa bàn vẫn có sự phát triển vững chắc. Tính đến ngày 31/10/2024, thành phố có trên 11.174 doanh nghiệp đang hoạt động (bình quân trên 1.500 doanh nghiệp thành lập mới/năm); số doanh nghiệp/1.000 dân đạt 8,39 doanh nghiệp, cao hơn bình quân chung cả nước (8,3 doanh nghiệp/1.000 dân), xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Toàn thành phố hiện có 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp giới thiệu trên 200 sản phẩm lên sàn, gần 3.000 người tham gia đăng ký giới thiệu nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Thời gian tới, Cần Thơ sẽ quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Về dài hạn, tiếp tục nghiên cứu và quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ có tính chất ưu tiên cho đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa như: Tiếp cận tài chính, công nghệ, ươm tạo, tìm kiếm, huy động các nguồn lực nhằm tăng cường, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp.
Sớm đi đầu và đạt nhiều kết quả trong thúc đẩy tăng trưởng xanh song để giữ vững danh hiệu “Thành phố xanh Quốc gia” đòi hỏi việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp phải “xanh” hơn nữa. Ông có chia sẻ thế nào về vấn đề này?
Cần Thơ đã quyết liệt triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững hàng năm; Kế hoạch tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố; Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025.
Thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh và chủ thể OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử và Chương trình Gian hàng Việt trực tuyến; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai Chợ 4.0,…
Ngoài ra, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tổ chức nhiều hoạt động phổ biến các quy định mới về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý về môi trường.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước về môi trường; thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt tỷ lệ cao trên 99%; thực hiện tốt các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đạt kết quả cao; việc huy động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường được phát động mạnh mẽ,...
Thời gian tới, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Cần Thơ tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với các mục tiêu tăng trưởng xanh; triển khai các chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch; xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng xanh hóa sản xuất; đẩy mạnh hợp tác, tài trợ quốc tế đa phương và song phương; chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến