14:08:16 | 27/12/2024
Vượt qua nhiều thách thức, kinh tế Vĩnh Phúc đã có sự phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, ước cả năm tốc độ tăng GRDP đạt từ 7,5 - 7,8% so với năm 2023.
Tốc độ tăng GRDP của Vĩnh Phúc cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của Việt Nam (6,8 - 7%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng từ 7,5 - 8,5%), trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,4 - 10,7%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 1,5 - 1,6%; các ngành dịch vụ ước tăng 7,5 - 7,8%. Quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành ước đạt khoảng 172.000 - 173.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.000 tỷ đồng, tương đương tăng 8,8 - 9,3% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 140 - 141 triệu đồng/người/năm, tăng 7,5 - 8,0%, tương đương tăng khoảng 9,8 triệu đồng so với năm 2023. Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng dự kiến chiếm 62,39 - 62,49%, ngành dịch vụ chiếm khoảng 30,88 - 31,0% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,61 - 6,63%.
Điểm sáng công nghiệp
Sản xuất công nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quý I, song từ quý II tình hình đã khả quan khi một số doanh nghiệp có đơn hàng mới, nhu cầu tiêu thụ tăng lên, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện điện tử… từ đó góp phần đưa ngành công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng khá so cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 11,3%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 11,4%. Sản lượng sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Vĩnh Phúc đều tăng, cá biệt có một số sản phẩm tăng rất cao so với với năm 2023 như: máy tính xách tay ước tăng 1,5 lần; bộ phát wifi ước tăng gần 3 lần; thức ăn gia súc ước tăng 21,6%; gạch ốp lát ước tăng gần 17%; xe máy ước tăng 7,5%.
Công nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế chủ lực trong phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc. Giai đoạn 2021 - 2024, sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất của tỉnh Vĩnh Phúc. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2024 của tỉnh đạt hơn 7%/năm (Vĩnh Phúc là 1 trong nhóm 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước); hết năm 2024, dự kiến tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt trên 7,5%. Để tiếp tục tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, chương trình hành động, đề án với cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mang tính đột phá, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn của từng thời kỳ. Nhờ đó, đến nay, Vĩnh Phúc đang tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại. Ngành công nghiệp đã thực sự là động lực, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách của tỉnh, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao.
Đóng góp lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc phải kể đến từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô và xe máy đang hoạt động trên địa bàn tỉnh gồm Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty TNHH Daewoo Việt Nam,… với sản lượng trung bình đạt 57.780 xe ô tô/năm và hơn 2 triệu xe máy/năm.
Từ việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm ô tô và xe máy của tỉnh, đã tác động tích cực đến môi trường thu hút đầu tư và thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác của tỉnh phát triển như sản xuất hóa chất, nhựa, cao su, thiết bị điện...
Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, xe máy, gia công sản xuất linh kiện điện tử đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động trong và ngoài tỉnh.
Với những cơ hội mở ra trong công tác thu hút dòng vốn FDI đầu tư vào nước ta những năm gần đây, dự báo thời gian tới, ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có nhiều cơ hội phát triển, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như góp phần vào bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng lao động ngành công nghiệp, dịch vụ.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Kết quả thu hút đầu tư vốn FDI vượt mục tiêu đề ra, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức hiện nay. Tổng vốn đầu tư FDI thu hút ước đạt gần 600 triệu USD, bằng 150% so với kế hoạch, tương đương với năm 2023; vốn đầu tư DDI ước đạt 5.500 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước đạt 1.550 doanh nghiệp, tăng 1,8% so với năm 2023, với số vốn đăng ký khoảng 13.000 tỷ đồng.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được tỉnh chú trọng cải thiện. UBND tỉnh đã triển khai các nội dung hợp tác với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Pernik (Bungari), vùng Toscana (Italia), ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Signetics, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn Young Poong, Quỹ đầu tư META, Công ty Grandway Singapore,... Một số nhà đầu tư chiến lược đã có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác với tỉnh như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc, Công ty Cổ phần T&Y SuperPort, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ,… Đặc biệt, Công ty Signetics đã ký thỏa thuận với Tập đoàn CNCTech triển khai dự án nhà máy bán dẫn tại tỉnh có tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD và Công ty Polaris Việt Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng có tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Năm 2025 Vĩnh Phúc chọn phương án tăng trưởng GRDP của tỉnh khoảng từ 8,0 - 9,0% để làm mục tiêu phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra và làm tiền đề cho xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm khơi thông các nguồn lực nhất là các động lực mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thị trường lớn, tiềm năng. Khai thác triệt để nguồn thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.
Hiền Nhung (Vietnam Business Forum)