Còn nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam

09:34:57 | 25/2/2025

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vẫn tăng tốc đổ vào Việt Nam. Việc thu hút các dự án, đặc biệt là những dự án công nghệ cao từ quốc gia láng giềng này đang thực sự là cơ hội để Việt Nam cải thiện chất lượng hiệu quả thu hút FDI nói riêng và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ nói chung.

Dẫn đầu về số dự án đầu tư vào Việt Nam

Không chỉ là đối tác thương mại lớn bậc nhất của Việt Nam, những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 7 lần, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6/148 của Việt Nam. Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022.

Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 38,23 tỷ USD. Trong đó, xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%). Lũy kế đến hết tháng 10/2024, Trung Quốc có gần 5.000 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 30 tỷ USD. Tháng 1/2025, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và GVMCP của ĐTNN đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024, Trung Quốc cũng là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 30,1%).

Song song với việc tăng mạnh về số lượng và quy mô, dòng vốn Trung Quốc cũng gia tăng về chất lượng. Nếu trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu hoạt động trong các ngành may mặc, da giày, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, đồ gia dụng thì những năm gần đây đã có xu hướng chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh, xe điện, thương mại điện tử…

Nhiều tập đoàn của Trung Quốc có quy mô quốc tế đã đăng ký đầu tư và triển khai nhà máy sản xuất tại Việt Nam như: Goertek, BYD, Radian, Brotex, Quanta Computer, Tập đoàn Foxconn,… Các doanh nghiệp phụ trợ của Trung Quốc cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn toàn cầu như Samsung, Apple cũng đặt nhà máy ở Việt Nam sau khi khảo sát tại những quốc gia cạnh tranh khác.

Về địa bàn đầu tư, thay vì tập trung tại các trung tâm đô thị lớn, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội như các doanh nghiệp FDI khác, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện khá đồng đều trên khắp các tỉnh thành. Bình Dương, Quảng Ninh và Long An, mỗi địa phương có 7% là doanh nghiệp Trung Quốc, trong khi tại các tỉnh công nghiệp mới nổi phía Bắc như Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng, tỷ lệ này đều vào khoảng 6%. Các địa phương này hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc do khoảng cách địa lý và giá đất cạnh tranh.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam nhiều hơn so với các doanh nghiệp FDI khác.

Cơ hội đi kèm thách thức

Việc thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghệ cao từ quốc gia láng giềng này đang thực sự là cơ hội để Việt Nam cải thiện chất lượng hiệu quả thu hút FDI nói riêng và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ nói chung. Tuy nhiên, sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tạo ra những áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước, nhất là những lĩnh vực họ có nhiều lợi thế như dệt may, da giày, đồ gỗ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa kịp đủ lớn để tham gia chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì đã bị các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc vượt mặt để chiếm thị phần ngay trên sân nhà.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng ngày càng “khắt khe” hơn trong tiêu chí lựa chọn địa điểm đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn. Doanh nghiệp Trung Quốc thường yêu cầu bàn giao mặt bằng, nhà xưởng nhanh chóng. Các nhà đầu tư này cũng ưa chuộng các khu công nghiệp ở vị trí đắc địa, có quỹ đất lớn hoặc nằm gần các khu công nghiệp khác để thuận lợi trong phát triển chuỗi cung ứng, mở rộng các nhà máy vệ tinh lân cận. Cùng với đó là kết nối giao thông đa phương thức, chuyển đổi năng lượng, nâng cấp trình độ lao động, cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư,...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dư địa đầu tư FDI từ Trung Quốc còn nhiều, nhất là những dự án lớn, trọng điểm và hợp tác công nghệ cao. Việt Nam khuyến khích và mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam đồng thời tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.

Thời gian tới, để thu hút hiệu quả các dự án FDI công nghệ cao từ các quốc gia nói chung và Trung Quốc nói riêng, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các doanh nghiệp, Việt Nam cần tạo lập hệ sinh thái cho thu hút và phát triển công nghệ. Cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gồm hệ thống chính sách văn bản pháp luật, thủ tục hành chính thông thoáng, minh bạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển. Trong đó, việc tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý bao quát hỗ trợ đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được cho là sẽ tạo điều kiện duy trì nỗ lực của Việt Nam để tiếp nhận dòng đầu tư bền vững hiện tại và tương lai.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng là lựa chọn thu hút các dự án. Theo đó, thu hút đầu tư phải bảo đảm điều kiện về công nghệ và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm... Cần nâng cao trách nhiệm của đơn vị thẩm định dự án, siết chặt khâu sàng lọc và giám sát. Tuyệt đối ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu, thâm dụng nhiều lao động và gây ô nhiễm môi trường. Bằng cách đó, Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế từ nguồn đầu tư ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đồng thời giảm thiểu các rủi ro kinh tế và địa chính trị tiềm tàng.

Thu Hà (Vietnam Business Forum)