08:24:35 | 6/3/2025
Những năm qua, Bình Dương đã trở thành mô hình kiểu mẫu trong thu hút đầu tư nước ngoài bằng các chính sách “trải thảm đỏ” hiệu quả. Trong đó, nhiều giải pháp đã được thực hiện đồng bộ như tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng, đẩy mạnh chuyển đổi số,… Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương.
![]() |
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đang dồn sức thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đang góp phần thúc đẩy quá trình này ra sao, thưa ông?
Bình Dương xác định việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò to lớn cho phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; là bệ phóng quan trọng cho sự phát triển cơ sở hạ tầng, kích thích sản xuất và tạo động lực tăng trưởng; là “vốn mồi” dẫn dắt đầu tư, góp phần khơi dậy tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Địa phương cũng đã hướng đến việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để tăng cường kết nối vùng, đặc biệt với các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, hỗ trợ các khu công nghiệp và đô thị mới phát triển bền vững, hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện chất lượng sống cho người dân, đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Nhằm góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6399/KH-UBND phát động cao điểm 50 ngày đêm thi đua giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung cao độ và huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; theo dõi sát sao tiến độ thực hiện dự án và báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, phấn đấu hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh.
Ông đánh giá sao về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và triển khai của các dự án trên địa bàn tỉnh những năm gần đây?
Những năm gần đây, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng như tình hình kinh tế thế giới nhiều khó khăn nhưng Bình Dương luôn là một trong các tỉnh, thành đi đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến ngày 31/12/2024, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể có 4.399 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 42,5 tỷ USD, chiếm hơn 8,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Số liệu thống kê các dự án trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành nghề dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư gần 31,8 tỷ đô la Mỹ, chiếm 74,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngày 01/02/2025, tại sự kiện lễ động thổ Công trình xây dựng Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương và Trao Chứng nhận đầu tư, tỉnh Bình Dương đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 8.500 tỷ đồng và các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án tiêu biểu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,2 tỷ USD. iển hình như các dự án của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP, Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singgapore,….
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Bình Dương, ngày 01/02/2025
Trong giai đoạn 2019 - 2021, Bình Dương tập trung phát triển các dự án sản xuất công nghiệp nhẹ, may mặc, điện tử tiêu dùng và cơ khí chế tạo thuộc lĩnh vực truyền thống. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã bắt đầu có sự chuyển dịch sang các dự án công nghệ cao và logistics, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Nhìn chung, Bình Dương đã dần có sự chuyển dịch thu hút vốn FDI từ các dự án sản xuất truyền thống sang các dự án công nghệ cao, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và bảo vệ môi trường. Từ nay đến năm 2030, tỉnh phối hợp xây dựng, hoàn thiện các dự án hạ tầng kết nối liên vùng; xây dựng, phát triển các trung tâm phức hợp về đô thị - công nghiệp - dịch vụ cấp vùng.
Việc triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ đặt ra nhiều nhiệm vụ mới trong quá trình đi lên của tỉnh mà còn đòi hỏi việc thu hút đầu tư cần “chất” hơn và “xanh hóa” các khâu sản xuất - kinh doanh. Trước yêu cầu này, Sở đang tham mưu, thực hiện giải pháp gì?
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng bền vững, thân thiện với môi trường, ngành đã chủ động tham mưu và thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Với 4 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, đó là tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án chất lượng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sạch và thân thiện với môi trường, các ngành công nghiệp hỗ trợ, các dự án có quy mô lớn, gắn liền với sự phát triển của hạ tầng đô thị, dịch vụ và logistics. Chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp,... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và triển khai dự án nhanh chóng, hiệu quả. Song song với đó, thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm duy trì các kênh thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp đến là đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thông qua các chương trình Chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm.
Ông có nhìn nhận ra sao về việc triển khai, tính hiệu quả của các kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương giai đoạn hiện nay?
Bình Dương đã đạt được những kết quả khả quan trong việc triển khai các kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch quan trọng, thể hiện sự quan tâm và cam kết trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Các chương trình hỗ trợ rất đa dạng, bao gồm hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia chuỗi giá trị, tiếp cận tín dụng, lãi suất và hỗ trợ pháp lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hiệu quả của các chương trình hỗ trợ còn bị hạn chế bởi một số nút thắt. Cụ thể nhận thức về hỗ trợ DNNVV trong một bộ phận cán bộ các cấp, các ngành còn chưa cao; khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn hạn chế do thiếu thông tin và thủ tục phức tạp; nguồn kinh phí dành cho các chương trình hỗ trợ còn hạn chế, ảnh hưởng đến quy mô và phạm vi hỗ trợ. Khối lượng công việc lớn trong khi biên chế hạn chế khiến cán bộ, công chức phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc,…
Để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhà đầu tư, tỉnh vẫn luôn nỗ lực tạo đột phá bằng những bước đi phù hợp, khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý kinh tế, tài nguyên và con người của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ còn tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, từng bước thực hiện chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng hệ sinh thái mới để thúc đẩy phát triển bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Lâm (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc