Nghị định 10: Phao cứu sinh cho người thu nhập thấp

13:16:15 | 16/5/2016

Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở giá rẻ hết hạn, nhiều người đã tỏ ra lo lắng vì cơ hội để mua được nhà với thu nhập hiện tại là điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia BĐS cũng như đại diện của các ngân hàng cơ hội mua nhà với lãi suất ưu đãi của người thu nhập thấp vẫn còn nhiều.

Vẫn có nhiều chính sách hỗ trợ riêng

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Việc  hỗ trợ cho người dân mua nhà ở thương mại giá rẻ hay nhà ở xã hội đã có chính sách riêng. Lãi suất ưu đãi của chương trình này do Ngân hàng Chính sách xã  hội và bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đảm đương. Điều này đã được quy định tại nghị định 100/2015 về phát triển nhà ở xã hội”.


Như vậy  mức lãi suất cho vay ưu đãi dành cho người thu nhập thấp  mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội sẽ không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ. Tham chiếu với mức lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng thương mại đang ở mức 10- 12%/năm thì mức lãi suất 5- 6% dành cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cũng chỉ tương đương với lãi suất của gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đấy, người mua nhà còn có thêm một sự lựa chọn nữa đã  được quy định tại Luật Nhà ở. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ hỗ trợ cho vay với các hộ nghèo mua nhà ở xã hội. Như vậy, mặc dù gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đã khép lại nhưng người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vẫn còn nhiều cơ hội vay với  lãi suất ưu đãi và không giới hạn thời hạn vay.

Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, Nghị định 100 đang trở thành cứu cánh giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi để mua nhà. Tại điều 16 của nghị định này đã quy định rõ về đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đó là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân viên chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.

Đến năm 2020 sẽ có 22 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành

Khảo sát về nhu cầu nhà ở thu nhập thấp của thị trường Hà Nội đến năm 2020 được UBND Thành Phố tiến hành thì nhu cầu thực tế sẽ tăng gần 50% so với Chương trình phát triển nhà ở mà Thành phố đặt ra trước đó. Trong đó, nguyên nhân chính được chỉ ra là do một lượng lớn công nhân (40.000 người) sẽ có nhu cầu từ thuê nhà sang thuê mua nhà ở thu nhập thấp.

Con số dự kiến mà trước đó UBND TP Hà Nội đưa ra là cần có khoảng 4.023.000m2 nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, theo kế hoạch dài hạn giai đoạn 2016- 2020 của UBND Thành phố thì nhu cầu thực tế lên tới 6.023.000m2 (tăng gần 50%). Vì vậy, UBND TP đã thông báo các dự án phát triển  nhà ở xã hội dự kiến đến năm 2020, trong đó nêu rõ có 22 dự án với tổng diện tích sàn khoảng 3.124.000m2, ước tính đạt 52% nhu cầu thực tế, và đạt 78% so với mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở Thành phố đề ra.

Trong giai đoạn 2016- 2020 sẽ có khoảng 22 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành.  Trong đó, đáng kể nhất là dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Bắc An Khánh do liên doanh Vinaconex và Tổng Công ty đầu tư Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư với tổng diện tích là 551.600m2, được UBND TP Hà Nội ký ngày 24/7/2012. Dự án có tổng diện tích đất khoảng 182.500m2, tại huyện Hoài Đức, Hà Nội; Quy mô diện tích theo quy hoạch được duyệt là 182.466m2; Quy mô dân số là 17.485 người. Diện tích đất ở là 65.740m2 với tổng số 5.196 căn hộ; Diện tích đất cho hạ tầng xã hội là 41.042m2 bao gồm 3 trường học và công trình công cộng.

Lương Tuấn