Phát huy lợi thế của một trụ Tứ giác động lực phát triển vùng ĐBSCL, những năm gần đây An Giang liên tục gặt hái nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển KT - XH, vươn lên trở thành "điểm sáng" trong bức tranh phát triển KT - XH của khu vực Tây Nam bộ. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Vương Bình Thạnh khẳng định: "Với đà phát triển như hiện nay, tôi tin tưởng Đảng bộ, quân và dân An Giang sẽ tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, tự tin đi lên CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế". Hoàng Lâm thực hiện.
Là vùng đất đầu nguồn của ĐBSCL, An Giang được đánh giá là địa phương hội tụ rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch. Xin ông cho biết cụ thể lợi thế này cũng như nỗ lực của tỉnh thời gian qua nhằm khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh sẵn có?
An Giang chỉ cách Tp.HCM 190km, cách Tp.Phnom Penh - Campuchia 120km, là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực ASEAN như Campuchia, Lào và Thái Lan. Tỉnh có hạ tầng giao thông đường thủy và đường bộ tiện lợi cho việc vận tải hàng hóa cũng như vận chuyển hành khách trong vùng và khu vực. Đó là hai đường quốc lộ 91 và 80 nối liền từ Đông sang Tây giáp với Vương quốc Campuchia; hai con sông Tiền và sông Hậu chảy xuyên qua địa phận An Giang, đổ ra biển Đông. Ngoài ra, tỉnh có cảng Mỹ Thới thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam và quốc tế, nằm trong khu vực của Cảng hàng không Cần Thơ với khoảng cách đường chim bay 50 km và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất 190 km.
Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, An Giang còn hội tụ rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế với 250.000 ha diện tích canh tác lúa gạo (sản xuất 3 vụ với hệ số sử dụng đất là 2,43 lần); 38.000 ha diện tích trồng rau dưa (sản lượng thu hoạch trên 900.000 tấn); diện tích mặt nước lớn...thuận lợi cho phát triển nông nghiệp - thủy sản theo hướng công nghệ cao. Ngoài ra An Giang còn sở hữu tiềm năng dồi dào trong phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch; trong đó du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh An Giang có khoảng 5.614 doanh nghiệp đang hoạt động; thu hút được 38 dự án FDI đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ. Để gia tăng sức hút môi trường đầu tư, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng thế mạnh sẵn có, tỉnh An Giang chủ trương thực hiện từng bước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, sẵn sàng đón các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Để góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng giảm thiểu hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, tỉnh đã ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 về Quy chế phối hợp trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cơ chế một cửa liên thông sẽ vận hành theo nguyên tắc "băng chuyền", cơ quan này giải quyết xong thì chuyển cho cơ quan tiếp theo. Đặc biệt, quy chế cho phép nhà đầu tư thực hiện song song các thủ tục về đất đai, môi trường; xây dựng; phòng cháy chữa cháy; đấu nối hệ thống cấp nước, thoát nước; tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp. Sau khi công trình xây dựng hoàn thành, nhà đầu tư thực hiện đăng ký quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Để phát huy tối đa nội lực và tận dụng hiệu quả ngoại lực, những năm qua vấn đề tăng cường liên kết vùng, liên kết khu vực trong phát triển kinh tế được An Giang chú trọng như thế nào?
An Giang có nhiều tiềm năng liên kết với các tỉnh trong và ngoài vùng về: liên kết thị trường, liên kết doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh theo các mô hình sản xuất mới; ưu tiên phát triển các ngành hàng của các tỉnh theo chuỗi giá trị gia tăng như: lúa, cá, rau màu (sản phẩm chủ lực), nấm ăn - nấm dược liệu, chăn nuôi bò, tôm càng xanh (sản phẩm tiềm năng). Ngoài ra An Giang đã thực hiện liên kết với các tỉnh trong vùng một số lĩnh vực như: giao thông, giáo dục, văn hóa, du lịch, y tế…
Đối với liên kết vùng ĐBSCL, thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển KT - XH vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 -2020, UBND tỉnh An Giang đã có Văn bản số 790/UBND-TH ngày 09/6/2016 gửi Bộ KH&ĐT đề xuất một số nội dung để triển khai Quy chế này như: (1) Xác định danh mục và triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn. (2) Chủ động cân đối nguồn vốn thuộc phạm vi quản lý đối với các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn.
Ngoài ra An Giang là địa phương thuộc Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Tp.Cần Thơ và một phần tỉnh Hậu Giang) - một trong những tiểu vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của vựa lúa lớn nhất cả nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về xây dựng Đề án "Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên" tại Thông báo số 322/TB-VPCP, ngày 14/10/2016 và Thông báo kết luận số 48/TB-VPCP, ngày 25/01/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao UBND tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với các tỉnh thuộc Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên xây dựng Đề án "Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên"; lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan và các nhà khoa học, gửi Bộ KH&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Vừa qua, UBND tỉnh An Giang cũng đã phối hợp với UBND Kiên Giang, Hậu Giang và Tp.Cần Thơ xây dựng dự thảo nội dung tầm nhìn chiến lược Đề án, trong đó 4 địa phương đã xác định 7 liên kết phục vụ cho phát triển Tiểu vùng gồm: Liên kết về quy hoạch, kế hoạch; Liên kết về sản xuất và xúc tiến thương mại nông sản, thủy sản; Liên kết về phát triển du lịch; Liên kết về quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, đáp ứng đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Liên kết thúc hút đầu tư; Liên kết thiết lập hệ thống thông tin vùng; Liên kết xây dựng thể chế, chính sách cho Tiểu vùng.
Đối với liên kết Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, căn cứ Quyết định số 492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; Quyết định số 941/QĐ-TTg về thành lập Tổ chức điều phối phát triển KT - XH Vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020, Quyết định số 2360/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020, An Giang đã ban hành Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 2/10/2015 thành lập Tổ điều phối Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL tỉnh An Giang giai đoạn 2015 - 2020.
Thời gian qua kinh tế biên giới của An Giang đã được chú trọng phát triển hiệu quả ra sao? Để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế biên giới tại An Giang, tỉnh sẽ có những kiến nghị nào đối với Chính phủ?
Thời gian qua, An Giang luôn được quan tâm, chỉ đạo để đẩy mạnh phát triển KT - XH và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản để phát triển kinh tế trên tuyến biên giới. Các chính sách của Trung ương và của tỉnh đã được triển khai trong thời gian qua nhằm phát triển kinh tế vùng biên như: Chương trình 160; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới; đầu tư các dự án để phát triển các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, trong đó có KKT Cửa khẩu tỉnh An Giang…, từ đó giúp người dân vùng biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế và an tâm sinh sống. Chỉ tính riêng năm 2016, tổng vốn đầu tư tại các xã biên giới đạt trên 214,1 tỷ đồng; nhờ đó kinh tế vùng biên giới đã có hướng chuyển biến rõ rệt, cơ cấu tổng giá trị gia tăng chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa An Giang và 2 tỉnh bạn Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia) càng thêm tốt đẹp.
Để đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình của cả nước, đến năm 2020 quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm khá của khu vực ĐBSCL, tỉnh An Giang sẽ tập trung vào những khâu đột phá nào?
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập; đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lí và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung khâu giảm TTHC nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư. Thứ ba, đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến.