Cục Hải quan Bình Dương luôn nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan và đã đạt được kết quả khả quan. Qua đó, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước và tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Nội dung mà phóng viên Vietnam Business Forum trao đổi với ông Nguyễn Phước Việt Dũng– Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương phần nào giúp độc giả hiểu rõ hơn về những thành quả như đã nêu trên. Văn Lượng thực hiện.
Năm 2019, ngành Hải quan phấn đấu thu vượt 5% so với chỉ tiêu, để góp phần hoàn thành nhiệm vụ nêu trên Cục HQBD đã và đang triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện như thế nào?
Năm 2019, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương được Bộ Tài chính giao chỉ tiêu pháp lệnh thu NSNN là 14.460 tỷ đồng, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương giao chỉ tiêu thu 14.500 tỷ đồng; Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu phấn đấu thu là 15.400 tỷ đồng (tăng 6,5 % so chỉ tiêu pháp lệnh 2019).
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao, ngay từ đầu năm Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 1310/QĐ-HQBD, 145/QĐ-HQBD giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách đến các Chi cục trực thuộc. Song song đó, Cục đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị bám sát Kế hoạch 3271/KH-HQBD thực hiện tốt các giải pháp nhằm nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, khai thác tốt nguồn thu mới. Phấn đấu thu đạt và vượt từ 6,5% chỉ tiêu giao. Theo đó, đơn vị sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Nhóm giải pháp cải cách, hiện đại hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (có 09 giải pháp cụ thể): Mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh cho DN; Chủ động rà soát các văn bản PL có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; Bố trí CBCC có năng lực, kinh nghiệm, tinh thông nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức tốt vào các khâu nghiệp vụ quan trọng đảm bảo thực thi tốt chủ trương của ngành về việc đồng hành và chia sẽ khó khăn với doanh nghiệp; Thường xuyên khảo sát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật và kim ngạch XNK của các doanh nghiệp có số thu chiếm 80% số thu trên địa bàn; Tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ với doanh nghiệp và phối hợp hỗ trợ đào tạo chính sách thuế cho DN khi có yêu cầu; Hàng ngày, Lãnh đạo các đơn vị nắm bắt đầy đủ các vướng mắc, công việc còn tồn đọng của ngày hôm trước để có kế hoạch xử lý, giải quyết nhanh chóng không để tồn đọng và bỏ sót việc; Tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ tư vấn giải đáp vướng mắc tại Chi cục và Tổ hổ trợ trực tuyến tại Cục HQBD; Khai thác sử dụng máy soi container có hiệu quả; Đảm bảo an ninh, an toàn mạng, cơ sở dữ liệu. Đảm bảo hạ tầng mạng luôn hoạt động tốt và thông suốt.
Nhóm giải pháp khai thác, quản lý số thu NSNN (có 04 giải pháp cụ thể): Triển khai giao chỉ tiêu thu NSNN năm 2019 cho Chi cục; Tổ chức thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh và phấn đấu thu NSNN năm 2019; Theo dõi và đánh giá số thu NSNN, phân tích nguyên nhân tăng, giảm đề ra giải pháp khắc phục; Tiếp xúc, tuyên truyền và hổ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN mới;
Nhóm giải pháp quản lý nợ thuế (có 07 giải pháp cụ thể): Rà soát các tờ khai phát sinh nợ quá hạn mới trong năm phải đảm bảo thu đủ, kịp thời tiền thuế đảm bảo không để phát sinh nợ xấu mới; Tiếp tục rà soát, xử lý các trường hợp nợ tồn đọng; Phân loại, phân tích tình hình nợ thuế hàng tháng theo từng loại nợ, theo nhóm doanh nghiệp để kịp thời áp dụng các biện pháp thu hồi nợ thuế theo đúng qui định; Theo dõi chặt chẽ, đẩy mạnh đôn đốc doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán hàng GC, hàng SXXK miễn thuế, DNCX, danh mục miễn thuế tạo TSCĐ theo năm tài chính. Thực hiện phân loại, kiểm tra báo cáo quyết toán, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm và truy thu thu thuế đối với doanh nghiệp khai báo và sử dụng nguyên liệu nhập GC, nhập SXXK không đúng mục đích miễn thuế theo qui định;
Rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế, phân loại kịp thời các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, đánh giá mỗi nhóm nợ chi tiết theo từng doanh nghiệp, Tổ chức xác minh tình trạng hoạt động thực tế của doanh nghiệp, nguyên nhân chưa thu hồi được nợ và đưa ra biện pháp xử lý nợ phù hợp; Phối hợp với cơ quan Thuế để thực hiện bù trừ số tiền thuế GTGT doanh nghiệp được hoàn tại cơ quan Thuế nội địa với các khoản còn nợ tại Hải quan theo quy định; Chủ động theo dõi thông báo cơ sở kinh doanh bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, thông báo doanh nghiệp bỏ trốn, tạm ngưng hoạt động, xác nhận nợ thuế, thông báo giải thể DN… từ Cục Thuế, Sở Kế hoạch Đầu tư, Ban quản lý các KCN Bình Dương, BQL KCN VSIP. Tổng cục Hải quan, Báo Bình Dương, Toà án… để rà soát tình hình nợ thuế của DN;
Nhóm giải pháp tăng cường công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý rủi ro, kiểm tra STQ và công tác kiểm tra nội bộ (có 10 giải pháp cụ thể): Rà soát, phân tích hoạt động XNK của DN, tập trung vào DN trọng điểm, DN có rủi ro cao kịp thời cảnh báo những trường hợp NK có nguy cơ gian lận cao: sản phẩm tháo rời thành linh kiện, bán thành phẩm, mặt hàng mới, dễ lẫn, có thay đổi tên, mức thuế NK, trị giá, hàng chênh lệch thuế suất, phân loại chưa thống nhất hoặc DN có dấu hiệu xuất khống để hoàn thuế GTGT, kê khai miễn thuế hàng hóa nhập khẩu đầu tư… để các Chi cục kiểm tra, truy thu thuế (nếu có);
Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro phục vụ công tác xây dựng tiêu chí rủi ro, kịp thời cập nhật tiêu chí vào hệ thống phục vụ phân luồng tờ khai tự động trên hệ thống đáp ứng yêu cầu triển khai Luật Hải quan, đảm bảo thực hiện đúng quy định;Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin giữa đơn vị làm công tác quản lý rủi ro và các đơn vị nghiệp vụ để kịp thời lựa chọn kiểm tra, giám sát các lô hàng có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại nhằm nâng cao hiệu quả QLRR; Nắm chắc diễn biến tình hình buôn lậu, GLTM của DN trên địa bàn, kịp thời cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn; Đấu tranh bắt giữ, xử lý vi phạm hiệu quả, trọng tâm vào nhóm các mặt hàng cấm, phế liệu, máy móc thiết bị, điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng …; nhóm các lĩnh vực bị lợi dụng để vi phạm như chính sách ưu đãi hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chính sách ưu đãi đầu tư, hàng kho ngoại quan...;
Thu thập, phân tích thông tin và triển khai kế hoạch kiểm soát, chống buôn lậu và GLTM đạt hiệu quả cao, tránh thất thu thuế cho NSNN; Đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này;
Chủ động rà soát kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước, chế độ chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, GLTM; Tăng cường kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế, phân loại hàng hóa, trị giá tính thuế; Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, công tác thanh kiểm tra nội bộ; Rà soát, triển khai thực hiện các kiến nghị thanh kiểm tra.
Nhóm giải pháp xây dựng lực lượng; duy trì kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ (có 05 giải pháp cụ thể): Tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ và khả năng nhận diện rõ các rủi ro trong thực thi nhiệm vụ của CBCC thông qua các nhóm chuyên đề về chống thất thu về giá, mã số hàng hóa, C/O, số lượng và chính sách ưu đãi: miễn, giảm, hoàn thuế và kiểm tra sau thông quan; Giáo dục chính trị tư tưởng cho toàn thể CBCC thông qua các buổi họp đơn vị, họp chi bộ, chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ nhằm nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương kỷ luật hành chính, không gây phiền hà, vô cảm trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan;
Rà soát, bố trí lực lượng cán bộ công chức có trình độ chuyên môn sâu vào các bộ phận nghiệp vụ quan trọng như tiếp nhận, kiểm hóa và theo dõi, xử lý nợ thuế. Kiểm soát công việc của công chức thừa hành trong thực thi nhiệm vụ; Tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất, thanh tra công vụ; Phát động phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2019 trong toàn thể CBCC; Kịp thời khen thưởng CBCC có thành tích tốt trong công tác thu NSNN, công tác xử lý nợ đọng của các đơn vị.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, số thu NSNN từ ngày 01/1/2019-31/3/2019 đạt 3.443,72 tỷ đồng đạt 23,81% chỉ tiêu pháp lệnh (14.460 tỷ), đạt 23,75% chỉ tiêu HĐND tỉnh Bình Dương giao (14.500 tỷ), đạt 22,36% chỉ tiêu phấn đấu (15.400 tỷ), tăng 14,75% so với cùng kỳ năm 2018. Cục Hải quan tỉnh Bình Dương dự kiến số thu NSNN năm 2019 ước đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu TCHQ giao là 15.400 tỷ đồng và hoàn thành 100% chỉ tiêu thu hồi nợ thuế được giao năm 2019.
Thực hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg và Quyết định 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính đã tích cực chủ động điều phối, đôn đốc và phối hợp với các Bộ, Ngành để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm cải cách, đổi mới phương thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Với Cục HQBD công tác này đã phối hợp ra sao, thưa Cục trưởng?
Hàng hoá XNK của các DN làm thủ tục hải quan tại các Chi cục trực thuộc Cục HQBD đa dạng và nhiều chủng loại khác nhau. Trong đó có một số nhóm mặt hàng chủ yếu là hàng nhập khẩu phải đăng ký KTCN về chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật…
Đa số các DN làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc diện phải KTCN đều đáp ứng tốt các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật… theo quy định của Nhà nước, chỉ có một vài DN vi phạm về thời hạn nộp Thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành (các DN này đã bị xử phạt vi phạm hành chính).
Trong thời gian qua, hoạt động KTCN đối với hàng hoá xuất nhập khẩu cả nước nói chung và tại địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng đã góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương; bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, lợi ích của người tiêu dùng; giữ gìn và bảo vệ môi trường trong lành, không gây ô nhiễm môi trường; bảo vệ cộng đồng các DN kinh doanh đúng pháp luật; ngăn chặn không để Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ hàng hoá kém phẩm chất, bãi rác công nghiệp; giữ vững uy tín, giữ vững thị trường cho hàng hoá của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng.
Trong năm 2018, việc thực hiện công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, các quyết định số 2026/QĐ-TTg, 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt nhiều kết quả tích cực: Cục đã chủ động, tích cực tham mưu cho TCHQ, BTC trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp cho việc triển khai có hiệu quả trên thực tế; kiến nghị với TCHQ, BTC để phối hợp cùng với các Bộ, ngành rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết vượt mục tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2018 đã cắt giảm được hơn 60% so với mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% của Chính phủ và cắt giảm các danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành (giảm 5279 mặt hàng từ 82,698 mặt hàng xuống còn 77,419 mặt hàng đến cuối năm 2018).
Các Bộ, ngành cũng đã ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN ngành kèm mã số HS; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải KTCN, từng bước loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN. Đã từng bước thay đổi phương thức quản lý và KTCN thông qua việc áp dụng quản lý rủi ro và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Năm 2016, Cục HQBD và Sở KH & CN đã thống nhất ký kết Bản ghi nhớ về việc phối hợp nhiệm vụ trong việc kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó ngay sau khi nhận được thông báo kết quả kiểm tra từ các cơ quan giám định, Sở KH & CN thông báo ngay trong ngày cho Cục HQBD biết qua hộp thư điện tử của Phòng Giám sát quản lý để chuyển ngay cho các Chi cục Hải quan thông qua hệ thống Cloud Office để thông quan tờ khai. Việc phối hợp này giữa 02 cơ quan đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng đưa hàng hoá vào sản xuất, kinh doanh, tránh các chi phí phát sinh do phải lưu giữ hàng hoá tại cửa khẩu và nhà máy trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì trong quá trình thực hiện cũng còn những vướng mắc khó khăn như sau: Công tác KTCN vẫn chưa thực sự đi vào thực chất và có chiều sâu, việc tổ chức thực thi trong thực tế còn có khoảng cách so với quy định tại các văn bản pháp luật, mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao. Văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động KTCN quá nhiều, có những quy định chưa được hướng dẫn đầy đủ, thiếu thống nhất. Vẫn còn tình trạng một số Bộ, ngành chưa công bố kịp thời Danh mục hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành hoặc phải KTCN theo Nghị định của Chính phủ; hoặc có ban hành Danh mục nhưng phạm vi quá rộng, tên hàng không rõ ràng, chung chung và thiếu mã số HS để xác định mặt hàng cụ thể, gây khó khăn cho cơ quan hải quan và DN trong quá trình thực hiện. Thời hạn thông báo kết quả KTCN của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành chưa được quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng trong các văn bản pháp luật về KTCN dẫn đến kéo dài thời gian thông quan cho một lô hàng, làm phát sinh chi phí lưu kho bãi, làm mất đi tính cạnh tranh, thậm chí doanh nghiệp bị phạt đền hợp đồng do giao hàng hoá chậm trễ hoặc bị từ chối nhận hàng.
Kiến nghị TCHQ, BTC sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành bằng cách chỉ áp dụng KTCN có trọng tâm, trọng điểm và tại các thời điểm phù hợp trước khi thông quan, phát triển hệ thống kho, bãi bảo quản hàng hóa tại cửa khẩu, áp dụng quản lý rủi ro trong KTCN, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kết quả KTCN.
Các Bộ, ngành khi ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành hoặc thuộc diện KTCN cần nêu rõ điều kiện quản lý chuyên ngành cụ thể rõ ràng; thủ tục phải đơn giản, không rườm rà, phức tạp; không ràng buộc, giới hạn DN phải đăng ký KTCN một nơi nhất định, mà có thể đăng ký ở nơi DN thấy thuận tiện nhất để giảm chi phí phát sinh nhằm tạo thuận lợi cho DN và cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện.
Cần rút ngắn tối đa thời gian ra thông báo kết quả KTCN để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hoá, giảm thiểu chi phí cho DN do phải bảo quản hàng hóa chưa được đưa vào sử dụng. Nên có quy định chế tài đối với các trường hợp cơ quan KTCN ra thông báo kết quả KTCN chậm trễ so với thời hạn quy định của pháp luật.