5 nhóm giải pháp cải thiện chỉ số PCI

10:37:24 | 9/4/2019


Theo kết quả Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 của Ninh Thuận xếp hạng 43/63 tỉnh thành cả nước.

Chỉ số PCI là thước đo quan trọng để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố thông qua kết quả điều tra, khảo sát cảm nhận của các doanh nghiệp dân doanh.

Nhận thức được vai trò của PCI, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp trong tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh với tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.



Để cải thiện thứ hạng PCI, hiện nay UBND tỉnh Ninh Thuận đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ quyết liệt các nhóm giải pháp quan trọng mang tính đột phá sau:

1. Đổi mới công tác đối thoại doanh nghiệp định kỳ hàng tháng theo hướng thân thiện, hiệu quả và thực chất hơn nhằm thể hiện sự quan tâm, gần gũi, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết tốt nhất các tồn tại vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các kênh tương tác giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp như: Đường dây nóng, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để doanh nghiệp phản ánh, đề đạt ý kiến tới các cơ quan nhà nước.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng giảm đầu mối thực hiện, giảm thủ tục giải quyết, giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là công tác phối kết hợp trong giải phóng mặt bằng. Khẩn trương hoàn tất các thủ tục đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh trong tháng 4/2019, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

3. Đẩy mạnh hơn nữa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại các sở, ban ngành và địa phương; trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

4. Tập trung nâng cao chất lượng một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, thông tin dự báo thị trường; tư vấn và hỗ trợ pháp lý, tiếp cận tín dụng... Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chú trọng đào tạo các nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

5. Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) trên cơ sở khảo sát, thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số PCI hàng năm, đồng thời kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

Với 5 nhóm giải pháp mang tính đột phá trên, tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng thứ hạng PCI của tỉnh trong những năm tới sẽ tiếp tục được cải thiện, qua đó tạo nền tảng cho tỉnh trong thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển kinh tế xã hội.

Quốc Hưng