Hiện thực hóa 5G tại Việt Nam

09:30:51 | 28/6/2019

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong kế hoạch triển khai mạng 5G. Với mục tiêu chính sách rõ ràng từ Chính phủ, các nhà mạng đã bắt đầu chuẩn bị hoặc tiến hành các cuộc thử nghiệm, đảm bảo tiến độ để Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên thương mại hóa 5G vào năm 2020.        

Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia

Cùng với sự ráo riết chuẩn bị cho thương mại hóa 5G tại Việt Nam, thành phần kinh tế nhà nước và tư nhân cần có sự chuẩn bị nhằm đảm bảo triển khai 5G một cách suôn sẻ và mang lợi ích đến với nhiều người Việt hơn.

Phân bổ đủ và đúng băng tần

5G sẽ hoạt động trên ba dải tần số: dải tần thấp (dưới 1GHz), dải tần trung (dưới 6 GHz), và dải tần cao (mmWave). Với những đặc thù riêng, mỗi dải tần sẽ có vai trò riêng nhưng tương hỗ lẫn nhau trong phát sóng 5G. Do đó, điều quan trọng là Việt Nam cần phân bổ đủ băng tần cho các dải tần số để phát huy hết tiềm năng về tốc độ cao, độ trễ thấp và phạm vi phủ sóng rộng của 5G.

Theo ước tính, mỗi nhà mạng Việt Nam cần tối thiểu 100 MHz băng tần trung bình và 800 MHz băng tần cao để cung cấp dịch vụ 5G một cách hoàn chỉnh. 

Vì một vài tần số hiện đang được sử dụng cho các ứng dụng khác, đây sẽ là một thách thức cho việc phân bố băng tần. Ví dụ, trước khi Chính phủ tái phân bổ tần số phục vụ cho việc chuẩn bị 5G, dải tần thấp 700 MHz đã được sử dụng cho truyền hình mặt đất và phát thanh vô tuyến.

Hiện tại, dải tần được xem là lý tưởng cho hoạt động 5G tại Việt Nam, dải tần trung từ 3.3 GHz đến 4.2 GHz đang được sử dụng cho việc tiếp nhận trực tiếp truyền hình vệ tinh tại nhà.

Nhằm đảm bảo hệ thống mạng 5G mạnh mẽ, với sự hỗ trợ và hướng dẫn từ Chính phủ, khối mạng viễn thông và vệ tinh cần được cung cấp băng tần chính xác để có thể vận hành song song và cung cấp dịch vụ chất lượng cho công chúng. 

Tiếp sức cho các ngành công nghiệp địa phương để khai thác thế mạnh 5G

Các ứng dụng của 5G không chỉ dừng lại ở mạng di động. Đây thực chất là trụ cột cho Công nghiệp 4.0 (IR 4.0), thông qua việc hỗ trợ hoặc vận hành các công nghệ khác như Internet Vạn Vật (IoT) và Trí Tuệ Nhân Tạo (AI). 

Dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa sẵn sàng để tận dụng 5G và tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo khảo sát của Việt Nam ICT năm 2017, 59% các doanh nghiệp Việt đã nghiên cứu Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhưng vẫn chưa biết cách chuẩn bị cho những tác động của nó.

Vì vậy, việc tăng cường nhận thức của các ngành công nghiệp địa phương về 5G và làm cách nào để phát huy lợi ích nhằm đạt được mục tiêu Công nghiệp 4.0 là vô cùng cấp thiết. Qua đó, các công ty Việt Nam sẽ được khuyến khích tiếp thu, thậm chí là phát triển những giải pháp và tiềm năng mới dựa trên công nghệ 5G trong bối cảnh tiêu dùng và kinh doanh không ngừng thay đổi. Điều này cũng cho phép các công ty cải tiến mô hình kinh doanh và gia nhập vào nền kinh tế số.

Chuẩn bị lực lượng lao động

Bên cạnh các doanh nghiệp Việt Nam, lực lượng lao động hiện tại và tương lai của Việt Nam cũng cần được phổ biến kiến thức về 5G. Vì không chỉ dừng lại ở một nước cập nhật 5G sớm, Việt Nam hướng đến trở thành một nhà cung cấp công nghệ 5G.

Chính phủ đã từng tuyến bố thể hiện sự quan tâm về thiết lập năng lực địa phương để xây dựng thiết bị 5G. Mới đây, với tuyên bố  “Make In Vietnam”, cho thấy tham vọng này có thể được mở rộng và bao gồm cả hệ sinh thái 5G, bao gồm cả thiết bị và các ứng dụng. 

Giáo dục có vai trò chủ đạo trong việc hiện thực hóa tham vọng này. Đặc biệt, các môn STEM (Khoa học, Công nghệ, Xây dựng và Toán học) có vai trò quyết định để giải quyết các lỗ hổng kỹ thuật và kiến thức cũng như tạo ra một nguồn lao động mới. Mặt khác, nâng cao kỹ năng sẽ là chìa khóa để giúp nhân viên cập nhật những kiến thức và khả năng. Những sáng kiến này sẽ giúp Việt Nam tự tin gia nhập vào kỉ nguyên sáng tạo không giới hạn mà 5G mang lại.  

Nắm chắc thành công

5G sẽ có tác động toàn diện lên mọi ngành công nghiệp và thành phần kinh tế. Do đó, các bên liên quan cần phải hợp tác để đảm bảo 5G là một sự thành công của tinh thần và mục tiêu chung mà Qualcomm theo đuổi.

Chẳng hạn, chúng tôi đã hợp tác với các công ty nhà nước và địa phương cùng chia sẻ hiểu biết và công nghệ nhằm đóng góp vào việc phát triển 5G tại Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi luôn tìm kiếm các cơ hội mới để liên kết với các cơ quan hữu qua khác để hỗ trợ tầm nhìn của Việt Nam về một xã hội luôn kết nối cũng như những mục tiêu về 5G và Công nghiệp 4.0 

5G mở ra một kỉ nguyên sáng tạo, và hướng đi hợp tác này sẽ là chìa khóa mở ra những tiềm năng của 5G. Chúng ta cần chung tay nỗ lực khám phá những ứng dụng mới phục vụ cho đất nước và toàn thể người dân của công nghệ này.

Thiều Phương Nam
Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia