Tây Nguyên: Điểm du lịch văn hoá đầy mới lạ

10:02:57 | 27/8/2019

Những năm trở lại đây, du lịch Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đạt khoảng 58 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt 9,5 triệu lượt). Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 120 ngàn tỷ đồng. Có thể thấy, du lịch đang dần trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực.

Được thiên nhiên ưu ái

Với nhiều lợi thế, Tây Nguyên được yêu thích bởi khí hậu mát mẻ, thiên nhiên  vẹn nguyên nét hoang sơ. Nổi bật là Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vốn là điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Là xứ sở của những loài hoa khoe sắc, những thác nước hùng vỹ và những ngôi biệt thự cổ từ thời Pháp thuộc, Đà Lạt nổi danh không chỉ là một điểm nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn.

Mặc dù không được thiên nhiên ưu ái như Đà Lạt nhưng các tỉnh khác của Tây Nguyên như Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông lại thu hút bởi vẻ đẹp nguyên sơ, truyền thống, chưa đầu tư và khai thác nhiều về du lịch. Đến đây, du khách được khám phá thiên nhiên hùng vỹ, cuộc sống hoang dã, thưởng thức những món ăn bản địa hấp dẫn, và đặc biệt được trải nghiệm cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên, không khí vùng núi cao trong lành, tươi mát.

Đến với Tây Nguyên, khách du lịch còn được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa như ở nhà dài, nhà rông, ăn cơm lam,  gà nướng, uống rượu cần hay cưỡi voi, chèo thuyền độc mộc, đi checking, đi bộ trong rừng và khám phá thảm thực vật đại ngàn.

Đánh giá tiềm năng du lịch Tây Nguyên, Giám đốc công ty lữ hành Litchee Travel Trần Văn Hùng cho biết, Tây Nguyên không chỉ có cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ mà còn mang trong mình nét văn hoá riêng biệt, không nơi nào có, đươc tạo nên bởi các dân tộc thiểu số như Ba Na, Jrai, Ê Đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông…  và được chia thành 5 tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum.  Mỗi tỉnh lại có một lợi thế du lịch riêng, có nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách ưa trải nghiệm, khám phá văn hóa, lịch sử.

Với hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, Tây Nguyên có thế mạnh lớn về văn hoá. Nếu như tỉnh Đăk Nông có người Mơ Nông, người Mạ, thì tỉnh Đăk Lăk lại có người Ê Đê, Jrai, sang tỉnh Gia Lai có người Jrai, người Ba Na và tỉnh Kon Tum là người Mơ Rông, Xê Đăng. Mỗi dân tộc lại có một phong tục tập quán riêng, họ sinh sống thành cộng đồng, có già làng. Đặc biệt, một số dân tộc còn theo chế độ mẫu hệ như Ê Đê, Ba Na, Jrai... Người con trai sau khi lấy vợ sẽ phải đi ở rể. Sau khi cưới, cặp đôi sẽ xây thêm phòng nối vào ngôi nhà cũ, ngôi nhà đó gọi là nhà dài. Con cái sinh ra mang họ mẹ. Người phụ nữ không chỉ có tiếng nói trong gia đình mà còn có quyền thừa kế.

Độc đáo văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên

Không chỉ hấp dẫn bởi văn hóa dân tộc đa dạng và khác biệt, du khách đến Tây Nguyên cũng ấn tượng bởi văn hoá trình diễn cồng chiêng độc đáo. Mặc dù, người dân tộc nơi đây không tự làm ra cồng chiêng nhưng cách mua sắm, trưng bày, sử dụng và cách diễn tấu đa dạng, phong phú đã tạo nên nét văn hoá riêng biệt không nơi nào có được. Cồng chiêng được sử dụng trong hầu hết các ngày lễ lớn, trong suốt cuôc đời của mỗi người dân Tây Nguyên. Âm thanh vang dội của cồng chiêng đều cất lên trong tất cả những ngày quan trọng của mỗi người, từ khi chào đời, cưới hỏi cho đến lúc đưa ma… Mặt khác, cách trình diễn khác nhau của mỗi dân tộc đã tạo nên những âm thanh sống động, mang hơi thở của núi rừng, của vừng đất đỏ bazan. Nếu như nhóm ngôn ngữ Môn Khơ me, Cờ Ho, Mạ, Mơ Nông dùng nắm đấm (phần thịt bên trong của bàn tay) để đánh chiêng tạo nên những âm thanh trầm ấm, nhẹ nhàng, cả nam và nữ đều có thể diễn tấu thì nhóm ngôn ngữ Nam Đảo lại dùng dùi trần để đánh chiêng dẹt và dùi bọc cao su để đánh chiêng núm, tạo nên âm thanh chắc khoẻ, vang xa, rộn rã và chỉ có nam giới mới diễn tấu. Tuỳ từng phiên khác nhau, số lượng chiêng được dùng cũng khác nhau, có khi chỉ 5-6 cái, có khi lên đến vài ba chục cái.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc công ty Ánh Dương Tours,  du lịch văn hoá chính là thế mạnh, là tiềm năng kinh tế lớn mà các tỉnh Tây Nguyên chưa khai thác triệt để. Chỉ cần một hướng đi đúng đắn, một chiến lược bài bản thì Tây Nguyên sẽ trở thành điểm du lịch văn hoá mới đầy thu hút với du khách trong và ngoài nước.

Giang Tú