Thị trường bất động sản: Ít thông tin, thiếu minh bạch, chính xác

11:45:21 | 5/9/2019

Thị trường bất động sản (BĐS) đang phát triển thiếu minh bạch từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án cho đến giao dịch BĐS. Các thông tin trên thị trường ít và thiếu tính chính xác đang gây ra những khó khăn nhất định cho hoạt động đầu tư BĐS.

Thiếu thông tin minh bạch

Trong cuộc gặp gỡ với đại diện Ngân hàng Thế giới mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đã nhận định: “Thông tin rất ít và thiếu chính xác là một trong những điểm yếu của thị trường BĐS Việt Nam. Các kênh thu thập thông tin qua báo cáo với Nhà nước, với Hiệp hội mặc dù được quy định rất rõ trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS nhưng trên thực tế còn triển khai rất kém”.

Theo báo cáo “Chỉ số minh bạch BĐS toàn cầu 2018” của Jones Lang LaSalle (JLL) cho biết thị trường BĐS Việt Nam đang đứng thứ 61(trên tổng số 100 thị trường BĐS toàn cầu) về xếp hạng minh bạch, dẫn đầu nhóm “Kém minh bạch” và đang ở ngưỡng quá độ lên “Bán minh bạch”.

Bên cạnh đó, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện Việt Nam vẫn chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu đồng bộ về sở hữu BĐS, giao dịch BĐS để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về lĩnh vực BĐS cũng như cung cấp nhanh chóng, chính xác về diễn biến thị trường, giá cả để người dân, nhà môi giới BĐS có thể xác định được hướng đầu tư đúng đắn. Trong khi đó các báo cáo hàng quý, hàng năm đều đặn nhất vẫn đến từ các công ty kinh doanh BĐS nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam. Tuy nhiên những thông tin này rất khó để kiểm chứng và thường mang tính cục bộ, hướng về lợi ích của doanh nghiệp, không khách quan, toàn diện.

Chính vì sự thiếu thông tin minh bạch này buộc người tiêu dùng phải tham khảo nhiều nguồn tin khác nhau để tránh trường hợp rơi vào “bẫy” đầu tư BĐS. Mặc dù  Luật Kinh doanh BĐS đã yêu cầu chủ đầu tư phải công khai thông tin dự án BĐS tại website doanh nghiệp những nội dung bắt buộc như quy hoạch chi tiết của dự án, số lượng nhà ở bán, số lượng nhà ở còn lại,…Nhưng thực tế, các chủ đầu tư không thực hiện hoặc không thực hiện đúng mà chủ yếu đăng tin, đánh bóng sản phẩm nhằm bán được hàng càng nhiều càng tốt. Việc thiếu thông tin minh bạch về dự án BĐS cũng gây nên cơn sốt ảo giá đất và những diễn biến phức tạp trên thị trường BĐS thời gian vừa qua. Giới cò đất và thậm chí một số doanh nghiệp BĐS có thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng để đẩy giá lên cao.

Nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cao su, đất không được quy hoạch là đất ở nhưng đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất nền dẫn đến tình trạng nhiều người bị lừa đảo, gây thiệt hại lớn, phá vỡ quy hoạch phát triển của địa phương, gây rối loạn thị trường BĐS, tạo ra những trở ngại trong việc thu hút các dự án đầu tư lớn, có tính khả thi cao.

Điều kiện tiên quyết để thị trường BĐS phát triển

Hiện nay với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và khu vực, Việt Nam đang kỳ vọng sẽ gia tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có lĩnh vực BĐS. Môi trường đầu tư thuận lợi bên cạnh các chính sách hấp dẫn, thu hút đầu tư, tình hình chính trị ổn định,… thì việc cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch cũng vô cùng quan trọng. Các nhà đầu tư nước ngoài rất coi trọng việc so sánh rõ ràng lợi ích giữa đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Singapore, Malaysia,…Một trong những điểm yếu của thị trường BĐS Việt Nam là tính minh bạch chưa cao sẽ làm cản trở quá trình đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường. Do đó, minh bạch thông tin là yêu cầu bức thiết cần được cải thiện trong thời gian tới để thu hút nhiều hơn sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tạo ra niềm tin giữa người tiêu dùng và các nhà đầu tư trong nước.

Hiện tại, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng đang tích cực phối hợp với Hiệp hội BĐS Việt Nam thực hiện dự án thống kê số liệu nền đầu ra của thị trường BĐS tại 6 tỉnh, thành phố thí điểm bao gồm Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ. Mặc dù số lượng chỉ có 6 tỉnh, thành phố nhưng đang chiếm đến 80 – 90% lượng giao dịch trong cả nước. Theo đó, Nhà nước sẽ cung cấp thông tin về số dự án được cấp phép, quy hoạch để có dự báo về nguồn cung cầu ngắn hạn công bố hàng quý.

Dự án này kỳ vọng sẽ trở thành kênh thông tin chính thức đáp ứng yêu cầu của chính quyền trong công tác quản lý, giúp ích cho doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược cũng như hướng dẫn người dân có quyết định mua bán chính xác. Đặc biệt hơn là cung cấp cho báo chí để có thể truyền tải chính xác nhất thông tin trên các kênh truyền thông nhằm ổn đinh thị trường.

“Thông tin càng rõ ràng, minh bạch bao nhiêu thì càng làm cho thị trường phát triển ổn định và bền vững bấy nhiêu. Việc này cần có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý với các tổ chức phi chính phủ và Hiệp hội thì mới có thể thực hiện sớm và thành công”, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh.

Lương Tuấn