10:08:49 | 8/10/2019
Với lợi thế "rừng vàng, biển bạc", tỉnh Trà Vinh đã xác định lấy nguồn lợi kinh tế biển là con đường phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) thuận lợi, nhanh và ổn định, hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm về phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Xoay quanh chiến lược phát triển mạnh về biển và làm giàu từ biển của Trà Vinh, Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh. Công Luận thực hiện.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nguồn lợi kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh?
Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL, nằm ở hạ lưu sông Mêkông, có 65 km bờ biển. Vùng biển Trà Vinh nằm trong vùng biển Đông Nam bộ tiếp giáp với vùng biển Tây Nam bộ, là 2 vùng biển có nguồn lợi thủy sản dồi dào, chủng loại thủy sản phong phú. Ra xa hơn là vùng biển Đông - Trường Sa có độ sâu và nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá ngừ, cá hồng, cá thu…, mang lại tiềm năng lớn cho phát triển ngành thủy sản tỉnh nhà. Với điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi nên từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Trà Vinh luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế trọng yếu của tỉnh cung cấp nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến thủy sản, góp phần phát triển KT - XH và bảo vệ an ninh, trật tự, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.
Vùng ven biển Trà Vinh có 5 đơn vị hành chính cấp huyện (TX.Duyên Hải, các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành), có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản khá lớn. Ngoài nguồn lợi thủy sản, vùng biển Trà Vinh có nhiều tiềm năng phát triển vận tải biển để giao lưu kinh tế với các tỉnh ven biển trong nước và các quốc gia khác trong khu vực biển Đông; vùng đất động cát ven biển thích hợp để phát triển điện gió, điện mặt trời; nhiều danh lam thắng cảnh như: Khu du lịch (KDL) biển Ba Động, Cồn nghêu, Thiền viện Trúc Lâm… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển.
Nằm giữa 2 con sông Tiền và sông Hậu, Trà Vinh có cửa sông Cung Hầu và Định An - 2 cửa sông quan trọng của vùng ĐBSCL thông ra biển Đông. Trà Vinh còn có hệ thống giao thông đường bộ nối các QL 53, 54, 60 với các tỉnh khác trong và ngoài vùng.
Nhìn chung, vùng biển và ven biển Trà Vinh là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế biển, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái của tỉnh; có lợi thế ngư trường khai thác đánh bắt tương đối rộng, có đội tàu khai thác xa bờ ngày càng phát triển; có khả năng xây dựng cảng nước sâu và là nơi trung chuyển cho một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL để giao thương hàng hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh
Qua 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh đã gặt hái được những thành tựu nổi bật nào trong phát triển kinh tế biển?
Ngày 24/3/2008, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Tỉnh ủy để triển khai thực hiện. Qua 12 năm triển khai, kinh tế biển Trà Vinh tiếp tục phát triển. Tổng giá trị sản xuất các địa phương ven biển chiếm 59,8% tổng giá trị toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,1 lần mức bình quân chung của tỉnh; kết cấu hạ tầng KT - XH có nhiều chuyển biến, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, ổn định đời sống dân cư vùng ven biển.
Trong đó ngành thủy sản liên tục đạt kết quả cao, tổng sản lượng thủy sản năm 2018 tăng 32,2% so với năm 2007, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 12 năm đạt 9,41%/năm. Khai thác hải sản từng bước cơ cấu đội tàu theo hướng giảm tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ, tăng tàu công suất lớn, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại để khai thác xa bờ; hỗ trợ đóng mới 11 tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh có 1.191 tàu cá được đăng ký, tổng công suất 143.820 CV (trong đó có 325 tàu khai thác xa bờ), góp phần đưa sản lượng khai thác từ 68.385 tấn năm 2007 tăng lên 78.227 tấn năm 2018. Nuôi thủy sản vùng nước mặn ven biển tiếp tục phát triển; nhiều hình thức nuôi đa dạng, đặc biệt những năm gần đây nuôi tôm nước lợ mật độ cao tiếp tục được nhân rộng và đạt kết quả tích cực.
Sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình kết hợp tôm - lúa, lúa - cá, lúa - màu đạt hiệu quả cao; nhiều hộ dân ven biển đã tích cực khai thác đất động cát, đất bãi bồi để trồng màu. Rừng ngập mặn ven biển từng bước được khôi phục; hình thành được một số tuyến rừng phòng hộ trên đất bãi bồi, đất động cát, góp phần hạn chế xói lở, chắn gió, bảo vệ bờ biển, ổn định môi trường sinh thái và đời sống dân cư ven biển.
Kết cấu hạ tầng phát triển KT - XH ở các vùng ven biển có bước chuyển biến rõ nét. TX.Duyên Hải đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; điện, đường, trường, trạm và hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư đồng bộ.
Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung, các vùng ven biển nói riêng đạt kết quả khả quan. Đến nay toàn tỉnh có 338 dự án còn hiệu lực, trong đó có 41 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD và 297 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 105.909,84 tỷ đồng. Riêng tại các KKT, KCN có 79 dự án, trong đó có 16 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 2,87 tỷ USD và 63 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 99.745,42 tỷ đồng.
Trà Vinh được Chính phủ chọn là tỉnh trọng điểm phát triển cả về thủy sản lẫn thế mạnh trong giao lưu quốc tế, phát triển cảng nước sâu với vai trò khu vực. Theo đó, Trà Vinh được Trung ương quan tâm đầu tư, hỗ trợ ra sao để phát triển mạnh về kinh tế biển?
Với lợi thế về phát triển kinh tế biển, thời gian qua tỉnh luôn được Trung ương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển KT - XH vùng ven biển. Trong đó chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản tại các huyện ven biển và dịch vụ hậu cần nghề cá; đưa vào sử dụng Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu - huyện Cầu Ngang và cửa Định An - huyện Trà Cú, góp phần đáp ứng các dịch vụ phục vụ nghề cá và giúp ngư dân tránh, trú bão an tâm. Đầu tư hệ thống giao thông, kè bảo vệ dân sinh và sản xuất; đồng thời đầu tư đưa vào sử dụng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu thông ra biển Đông. Đây là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển đời sống xã hội của người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ, là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế biển trong khu vực.
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn đầu tư hệ thống cảng hàng hóa: Cảng Long Đức, Cảng trung tâm điện lực Duyên Hải…; đầu tháng 7/2019 đã khởi công dự án xây dựng Khu bến cảng tổng hợp Định An. Trên địa bàn tỉnh còn có dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư tại KKT Định An, gồm các nhà máy: Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng với tổng công suất 4.400MW, góp phần giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Riêng KKT Định An là 1 trong 8 KKT ven biển ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước, tổng vốn đầu tư trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016 - 2020 khoảng 701 tỷ đồng.
Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đưa Trà Vinh trở thành trọng điểm phát triển kinh tế biển của ĐBSCL, tỉnh có định hướng phát triển kinh tế biển như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Định hướng đến năm 2030, tỉnh phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (2) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; (3) Du lịch và dịch vụ biển; (4) Công nghiệp ven biển. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương thực hiện chiến lược phát triển mạnh về biển và làm giàu từ biển cho tỉnh nhà trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng về biển. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng KKT ven biển, trọng tâm là KKT Định An; xây dựng thành công một KKT ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; định hướng phát triển thành vùng kinh tế động lực, phát triển các ngành như sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu cùng các ngành công nghiệp phụ trợ khác; phát triển dịch vụ logictics, du lịch gắn với kinh tế cảng, khu phi thuế quan, các khu dân cư đô thị và Nông thôn mới.
Ngoài ra tỉnh quan tâm phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai, nâng cao đời sống nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT - XH với đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền vùng biển.
Trân trọng cảm ơn ông!
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc