10:53:31 | 14/10/2019
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan.
Điện thoại đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất
Báo cáo 9 tháng năm 2019 của Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%, bằng 73,9% kế hoạch năm.
Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 20,6% và 15,8%) nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương “đây là nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực”, trong bối cảnh hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm do bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc.
Điểm sáng của thời gian qua là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%), qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 163,66 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong đó, điện thoại các loại là mặt hàng có kim ngạch đạt cao nhất với 38,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 16,4% trong 9 tháng đầu năm 2018 và 23,3% trong 9 tháng đầu năm 2017.
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018 do gặp nhiều khó về thị trường và giá bán. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 3,29 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019.
Có thể thấy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,23% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,6% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.
Kiểm soát nhập khẩu, xử lý việc lẩn tránh thuế
Nhận định về những khó khăn trong những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế toàn cầu.
Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế. Nhất là trong bối cảnh, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.
Thêm vào đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam và Việt Nam dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc “đội lốt” vào Mỹ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cả đầu tư.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương đang tập trung xử lý theo hướng chú trọng kiểm soát nhập khẩu, xử lý vấn đề lẩn tránh thuế.
Trong đó, tập trung: Cảnh báo sớm nguy cơ lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ; Chủ động kiểm tra, xác minh xuất xứ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa và thông tin, cảnh báo các tổ chức cấp C/O, các Bộ, ngành, Hiệp hội liên quan về việc tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa như sắt thép, gỗ dán, xe đạp điện, lốp ô tô, nhôm, gạch men, hàng dệt may; Phối hợp với cơ quan điều tra của các nước, đồng thời khẳng định sự nỗ lực cũng như quan điểm sẵn sàng hợp tác với phía các nước có liên quan (nhất là Mỹ) trong lĩnh vực này.
Việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại.
“Nhiều doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế cũng như chưa chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận.
Đối với việc này, Bộ Công Thương đang xây dựng phương án tổ chức sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, đón đầu và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu để tận dụng cơ hội của cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, cũng lưu ý tính toán kỹ lưỡng trong các giải pháp thúc đẩy đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu, tránh việc phát triển "quá đà", dễ rơi vào tình trạng bị động, dư thừa sản lượng khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận xuất khẩu trở lại.
Nguồn: baochinhphu.vn