Doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, đưa nông sản Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

10:42:25 | 9/10/2019

Sáng 8/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, VCCI, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), các hiệp hội doanh nghiệp và đại diện doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước.

Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, đến nay, cả nước đã có hơn 2.900 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 1.000 doanh nghiệp. Đối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có hơn 1.200 chuỗi được chứng nhận, với hơn 1.400 sản phẩm (chủ yếu là các loại rau, củ quả, các loại cá biển, trái cây, trứng, nước mắm). Cả nước có hơn 3.100 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có hơn 640 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bao gồm: chuỗi liên kết cá tra ba cấp, chuỗi liên kết một ngành hàng lâm sản chủ lực và chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Trung - Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn - Bộ NN&PTNT cho biết, phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều biện pháp qnhằm tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Tham gia sân chơi toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ tiềm lực, liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nâng cao giá trị sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tại Diễn đàn, các đại biểu cũng nhận định rằng, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa giúp nâng cao giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh và đưa nông sản Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn, ông Park Hyang Jin, Tổng Giám đốc Công ty Dreamfarm (Hàn Quốc) cho rằng, điểm yếu nhất của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đó là công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, thêm vào đó là sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của nhà nước còn chưa phát huy tác dụng, đồng thời, sự liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản còn thấp.Bởi vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, theo doanh nhân Park Hyang Jin, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo toàn bộ quy trình được kiểm soát đúng quy chuẩn.

Trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT cũng khẳng định rằng, sự liên kết giữa các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong các mô hình liên kết với người dân. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, chính doanh nghiệp là lực lượng thâm nhập thương trường quốc tế, hiểu được quy định quốc tế, từ đó quay trở lại hướng dẫn người dân sản xuất, chế biến, đóng gói và giúp bao tiêu sản phẩm. "Sự liên kết, hợp tác đó là rất cần thiết và cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa, đa dạng hơn nữa và đặc biệt là hướng tới sản xuất nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc và có giá trị gia tăng cao hơn", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, đại diện Bộ NN&PTNT cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi nông sản Việt Nam khi tham gia sân chơi toàn cầu như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường; Tuyên truyền vê các mô hình mô hình liên kết hiệu quả, ccs tiến bộ khoa học kỹ thuật, các cách làm hay của các địa phương; Thường xuyên thông tin, truyền thông về các vùng sản xuất an toàn thực phẩm, các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, cần tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ nông dân các kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định (VietGap, GlobalGap, Organic...), hỗ trợ sơ chế, đóng gói nông sản. Ngoài ra, một loạt các giải pháp khác cũng đã được các Bộ, ngành liên quan thực hiện như: Đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và hoàn theiẹn các hồ sơ vùng tròng; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Khuyến khích đầu tư vào chế biến nâng cao giá trị sản phẩm; Đổi mới , hoàn thiện các chính sách, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho cho doanh nghiệp như tiếp cận vốn, đất đai.

Minh Ngọc