14:26:39 | 8/10/2019
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với những công nghệ đột phá đang mở ra cơ hội to lớn để doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo, thâm nhập và mở rộng thị trường với nhiều sản phẩm sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. Thu Hà thực hiện.
CMCN 4.0 là khái niệm đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của DN Việt Nam với cuộc CMCN này? DN Việt đã tận dụng được hết những lợi ích cuộc CMCN này mang lại hay chưa?
Cách đây khoảng 3 năm, khái niệm và câu chuyện về cuộc CMCN 4.0 bắt đầu được bàn thảo Việt Nam. Chưa nói đến mức độ sẵn sàng thì số đông các doanh nghiệp đều cho rằng không dễ để “nhảy lên con tàu” CMCN này. Số đông có cái nhìn không thực sự lạc quan vì cho rằng Việt Nam mới ở trình độ phát triển ban đầu, năng lực cạnh tranh, khả năng sáng tạo còn hạn chế.
Ngay theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương gần đây, có tới 61% DN Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% DN mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị. Điểm trung bình toàn ngành Công Thương là 0,53 điểm (so với mức 5 điểm), tương đương với mức sẵn sàng đầu tiên hay là chưa có sự chuẩn bị nào. 5 ngành có số điểm đánh giá tính sẵn sàng cao nhất là: Dầu khí, sản phẩm điện tử, sản xuất xe có động cơ, điện, khí đốt, nước và hóa chất. Đáng lưu ý, 3 ngành chủ lực là: Cơ khí, dệt, may và da giày là những ngành có điểm đánh giá thấp nhất.
Không chỉ vậy, so với các quốc gia ASEAN, Việt Nam nằm trong 4 nước kém tiếp cận CMCN 4.0 (cùng với Lào, Campuchia và Myanmar), trong khi các nền kinh tế Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đều có cấu trúc và động lực sản xuất cao hơn, mức độ sẵn sàng và tiềm năng cho phát triển sản xuất theo cuộc CMCN 4.0 nằm trong nhóm dẫn đầu, nhóm tiềm năng cao hoặc nhóm kế thừa.
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là hiện đa số các DN Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phải thay đổi để bắt kịp CMCN 4.0. Ngày càng nhiều DN hiểu rằng, CMCN 4.0 là câu chuyện ảnh hưởng rất lớn, nếu không nói là quyết định, đến năng lực cạnh tranh của DN. Cùng với đó, không ít DN đã thực sự bắt tay vào việc hoạnh định chiến lược, kế hoạch và cả triển khai trên thực tế để tậ dụng cơ hội CMCN 4.0 mang lại.
Bên cạnh mang lại cơ hội thì CMCN 4.0 cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các DN Việt Nam. Theo ông những thách thức đó là gì?
Có thể nói cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại cho các DN rất to lớn tuy nhiên đi cùng với nó thì các thách thức cũng không hề nhỏ.
CMCN 4.0, cốt lõi là chuyển đổi số, có tác động đến mọi khía cạnh đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa… của tất cả các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Về kinh tế, cuộc CMCN này mang đến những tác động hết sức tích cực. Trứơc hết là cơ hội sáng tạo sản phầm hàng hóa, dịch vụ mới cùng trải nghiệm mới cho khách hàng, thích ứng với những thay đổi hành vi tiêu dùng, đòi hỏi của thị trường hiện nay (“xanh”, tiện lợi, nhân văn, “cá thể hóa”). CMCN 4.0 có thể tăng đáng kể hiệu quả nhờ “thông minh hóa” quá trình sản xuất kinh doanh, quản trị DN và cách ứng xử với lao động.
Đặc biệt, CMCN 4.0 cũng mở ra chân trời tạo dựng các mô hình kinh doanh mới. Người ta nói nhiều vè kinh tế nền tảng (platform economy), kinh tế chia sẻ (sharing economy), kinh tế lấy công chúng làm trung tâm (crowd-centred economy),.. Thị trường hiện đã và đang xuất hiện những "tay chơi" mới dựa trên công nghệ số như những công ty fintech, edutech, agritech hay meditech...
Các cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 mang tới là rất rõ. Tuy nhiên các cơ hội này thực ra đã bao hàm cả những thách thức. Nhiều việc làm mới được tạo ra; song cũng nhiều việc làm “truyền thống” mất đi. Những đòi hỏi nền tảng của công nghệ số, kết nối thông minh cùng những đổi mới công nghệ buộc DN phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, yêu cầu đối với chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề lớn nhất trong cuộc CMCN 4.0. VN rất thiếu hụt nhân lực IT và công nghệ số, chưa nói tới những kỹ năng “mềm” cần thiết khác.
Ở một khía cạnh khác, trong kỷ nguyên mới này còn có rất nhiều điều cho các DN học hỏi. Đó là cách thức vận hành kinh tế, sản xuất kinh doanh, yêu cầu thị trường hay thậm chí là các quy luật kinh tế mà DN chưa nắm, chưa hiểu rõ được.
Quản trị cả tiến trình chuyển đổi tất yếu đó là bài toán lớn đối với DN.
Trong cuộc đua này, so với các doanh nghiệp thuần túy số hóa thì các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi số để tăng khả năng cạnh tranh, phát triển có vẻ đuối sức hơn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
CMCN 4.0 đưa DN lên tầm cao mới, nhất là thông qua chuyển đổi số. DN có thể chia ra làm 2 loại hình: DN tương đối thuần túy số hóa và DN truyền thống khác, lấy chuyển đổi số để tăng năng lực cạnh tranh, phát triển.
Với các DN thuần túy số hóa là những DN đã có những bươn trải trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số nên chắc chắn có những lợi thế nhất định. Đó là những lợi thế về hiểu biết nắm vững công nghệ liên quan, quan hệ với các đối tác hay lợi thế về nguồn nhân lực. Không phải ngẫu nhiên, tại Việt Nam, những DN tự tin sẽ là “DN số” đều là những DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số.
Tuy nhiên, điều này cũng không hạn chế khả năng vươn lên của các DN truyền thống hay nằm ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số. Việc hợp tác với các DN công nghệ để đưa công nghệ vào sản xuất kinh doanh hay để chuyển đổi số cũng giúp các DN truyền thống học hỏi được rất nhiều điều, thậm chí có thể “đi tắt, đón đầu” trong quá trình này.
Vậy đâu là những giải pháp để doanh nghiệp có thể tận dụng tốt nhất cơ hội và những ứng dụng của CMCN 4.0 thành công vào quá trình sản xuất?
Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 với những lộ trình và bước đi cụ thể, phù hợp không phải là chuyện riêng của DN. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ giúp DN nâng cao năng lực công nghệ (tiếp thu, làm chủ, cải tiến, sáng tạo) và cả năng lực bảo vệ tài sản trí tuệ. Hạ tầng số phát triển, khung khổ pháp lý điều tiết thích hợp với kỷ nguyên số và thúc đẩy sáng tạo, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thiết thực – đó lả những nền tảng cơ bản giúp đẩy nhanh tiến trình tận dụng hiệu quả cơ hội CNCN 4.0 mang lại. Vai trò của Nhà nước ở đây là rất quan trọng.
Bên cạnh những nỗ lực của Nhà nước thì điều quyết định chính là bản thân DN cũng phải thức sự thay đổi. Nói hơi quá thì đây là vấn đề “to be or not to be” đối với DN. Theo đó, có 3 điểm cốt yếu nhất đối với DN:
Thứ nhất, dù DN có xây dựng chiến lược kinh doanh, chuyển đổi thế nào nhưng chắc chắn phải gắn với công nghệ và sáng tạo. Đây chính là yếu tố “sống còn” của DN trong CMCN 4.0 và kỷ nguyên số.
Thứ hai là tính tiên phong, quyết liệt của người đứng đầu. Các nhà quản trị DN cần xác định mình đang ở đâu trong cuộc CMCN 4.0, từ đó xác định nguồn lực và chiến lược phát triển phù hợp. Câu chuyện thành bại với DN giờ không phải là “To thắng Nhỏ” mà là “Nhanh thắng Chậm”.
Thứ ba, thay đổi cách thức quản trị, kỹ năng quản lý. Chuyển đối số với những bước đi cụ thể, thiết thực sẽ giúp tăng năng suất và hiệu quả giao diện thị trường. Tận dụng tốt công nghệ số còn có thể góp phần trực tiếp cho việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị DN thông qua truyền thông, tạo dựng hình ảnh, củng cố niềm tin, tạo thuận lợi trong kết nối.
Chuyển đổi số DN là một quá trình đầy thách thức, không hề dễ dàng. Theo một số khảo sát gần đây trên thế giới, số doanh nghiệp chuyển đổi số thành công nhỏ hơn 50%. Quá trình này cũng đòi hỏi DN phải đầu tư cùng những chi phí nhất định, thậm chí có thể là lớn. Đây là một trở ngại không nhỏ, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa. Vì vậy các bước đi cần phải mang tính lựa chọn và khôn khéo. Hãy khát vọng, nghĩ lớn, làm quyết liệt công việc cụ thể, có thể nhỏ, nhưng sáng tạo và có tính lan tỏa cao.
Thiết nghĩ, DN Việt hoàn toàn có đủ tự tin, năng lực học hỏi và sáng tạo để chuyển đổi số thành công, tạo sự phát triển lên tầm cao mới cho mình và cho đất nước.