Nghệ An cần phải so sánh mình với các địa phương khác

10:14:07 | 15/12/2020

Đó là ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án PCI Việt Nam tại “Hội thảo Cải thiện môi trường kinh doanh – Từ chỉ số DDCI đến giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh Nghệ An” do Chi nhánh VCCI tại Nghệ An phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Tham dự Hội thảo, về phía VCCI có ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Giám đốc Dự án PCI Việt Nam; bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI tại Nghệ An; ông Trương Đức Trọng – Chuyên gia DDCI, Ban Pháp chế. Về phía tỉnh Nghệ An có ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Văn Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh. Về phía khách mời có bà Vũ Kim Chi – Phó ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh, chuyên gia DDCI cùng đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành, các Hiệp hội Doanh nghiệp và Lãnh đạo các huyện, thị, thành tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An gần đây đã có nhiều cải thiện rõ nét nhưng vẫn chưa thực sự ổn định và bền vững. Tình hình cải cách hành chính (CCHC) nhìn chung có nhiều cải thiện: thời gian đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn, “sức ép” thanh, kiểm tra có dấu hiệu giảm bớt, môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh bình đẳng hơn khi các thành phần kinh tế được đối xử công bằng hơn so với trước đây, thái độ của chính quyền địa phương với khu vực tư nhân có nhiều thay đổi tích cực. Bên cạnh đó, niềm tin vào các thiết chế pháp lý ở địa phương có dấu hiệu được cải thiện. Ngoại trừ lĩnh vực đất đai, chi phí không chính thức có dấu hiệu giảm ở một số lĩnh vực quan trọng khác nhưng vẫn còn khá phổ biến. Xét về tỷ trọng chi phí không chính thức so với doanh thu, các doanh nghiệp tại Nghệ An vẫn chịu “gánh nặng” cao nhất vùng. Mặc dù chất lượng lao động tại địa phương khá tốt nhưng việc tuyển dụng lao động chất lượng cao vẫn khá khó khăn cho doanh nghiệp, tình trạng “ưu ái” các doanh nghiệp thân quen còn phổ biến.

Chia sẻ về Chỉ số năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và Sở, Ban ngành tỉnh Nghệ An (DDCI), ông Tuấn cho biết, đến nay đã có 54 địa phương trong cả nước triển khai đánh giá DDCI. Khi triển khai làm DDCI, tỉnh cần phải có mong muốn CCHC mạnh mẽ hơn nữa mới thực sự thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh. Cả Lãnh đạo huyện cũng phải trăn trở, tạo động lực, tạo kênh thông tin phản hồi, hình ảnh đẹp cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại địa phương. “Tỉnh Nghệ An cần đánh giá đúng thực tiễn, tập trung các nhóm giải pháp ưu tiên đồng thời phải so sánh mình với các tỉnh khác để xem mình đang ở đâu chứ không phải chỉ so sánh mình với mình qua các năm”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội Doanh nghiệp tại địa phương, bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI tại Nghệ An khẳng định tầm quan trọng của DDCI trong việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả công tác CCHC, điều hành kinh tế của các Sở, ngành và chính quyền cấp huyện, thị, thành thông qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để chính quyền địa phương hiểu sâu hơn về PCI, DDCI nói chung và các Chỉ số thành phần, tiêu chí đánh giá để từ đó, địa phương quy chiếu các thế mạnh và những hạn chế để làm căn cứ xây dựng các chương trình hành động cụ thể trong quá trình CCHC.

Chia sẻ về kinh nghiệm DDCI và cải thiện môi trường đầu tư, ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, hàng năm chúng ta đánh giá vài lĩnh vực nhưng chỉ chú tâm đầu vào mà “quên” đầu ra, thiếu quan tâm, chăm sóc; đánh giá các Chỉ số xong lại không công bố, thậm chí buông xuôi, thiếu kiểm tra, đôn đốc của Lãnh đạo cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì doanh nghiệp sẽ không còn quan tâm nữa, thậm chí thiếu niềm tin với chúng ta. Ông đánh giá cao việc Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có Thư ngỏ trong việc đánh giá DDCI của tỉnh vừa qua. Điều đó đã tạo niềm tin, sự thuyết phục đối với doanh nghiệp về trách nhiệm và sự quyết tâm CCHC, tạo môi trường kinh doanh của chính quyền.

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh ghi nhận những nỗ lực gần đây của chính quyền trong công tác CCHC. Đặc biệt là sự nhìn nhận, quan tâm, tạo điều kiện và có các biện pháp nhằm nâng cao Chỉ số PCI, gần đây là việc xây dựng, triển khai DDCI. Từ đó, tình hình đã có nhiều thay đổi đáng ghi nhận từ các Sở, Ban, ngành và các địa phương. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh… đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận theo đánh giá của doanh nghiệp. Mặc dù có nhiều đổi mới tích cực, song nếu so với doanh nghiệp thì chúng ta vẫn chậm hơn bởi doanh nghiệp tự học hỏi và đổi mới, thích ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn. Để công tác CCHC ngày càng tốt hơn thì cần thêm các Chỉ số khác nữa và thể chế hoá PCI, DDCI thành mô hình chuẩn được áp dụng rộng rãi nhằm đánh giá chính quyền một cách toàn diện. “Mong chính quyền nỗ lực triển khai những thành quả của Sở Khoa học - Công nghệ, cùng với VCCI trong điều tra DDCI và học hỏi những kinh nghiệm từ các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc… để tỉnh nhà CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả hơn nữa”, ông Nam bộc bạch.

Một trong những Chuyên gia hàng đầu về DDCI, bà Vũ Kim Chi – Phó ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã “tiết lộ” nhiều thông tin quý báu về DDCI được triển khai và áp dụng có hiệu quả tại Quảng Ninh 5 năm nay. Theo kinh nghiệm của bà Chi, việc xác định vai trò người đứng đầu đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Cụ thể là trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành trong kế hoạch hành động hàng năm. Bên cạnh đó, cần xác định được những ưu tiên trọng tâm, quyết liệt trong cải cách TTHC, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp; xây dựng văn hoá đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm phục vụ, đồng hành cùng họ trong suốt quá trình triển khai, sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Bà Chi cho biết, từ năm 2015, DDCI của Quảng Ninh đã được triển khai đến 14 địa phương, 21 Sở, Ban ngành và công bố kết quả công khai hàng năm. Thêm đó, chính quyền đã mở rộng kênh tương tác với cộng đồng doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến qua mạng xã hội và chủ động trong việc đón nhận thông tin để xử lý kịp thời. Chất lượng điều hành kinh tế nhờ đó đã được thay đổi, công tác CCHC ngày càng tốt hơn, trách nhiệm người đứng đầu ngày càng rõ nét, tính minh bạch được cải thiện, vai trò của VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Cũng qua DDCI, PCI Quảng Ninh đã được cải thiện liên tục từ năm 2016 đến nay nhờ tạo được sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, Ban ngành thuộc tỉnh; duy trì và phát triển môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực; xây dựng được kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương.

Tại Hội thảo, Chuyên gia của Ban Pháp chế VCCI, ông Trương Đức Trọng đã trình bày cách thức và phương pháp triển khai thực hiện Chỉ số DDCI. Theo đó, một chính quyền thân thiện, năng động, cầu thị và phục vụ luôn là hình ảnh cần có để các doanh nghiệp vừa là bên hưởng lợi, vừa là người “chấm điểm”, đánh giá.

Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, xây dựng nhưng không kém phần bức xúc từ đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp tham dự. Ông Trần Anh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đánh giá cao vai trò cá nhân của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trong quá trình xây dựng và triển khai DDCI tại Nghệ An. Ông Sơn đặc biệt nhấn mạnh việc chăm sóc và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có, qua đó mới thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp khác đến đầu tư tại địa phương. Ông cho rằng, thời gian hoàn tất các thủ tục vẫn còn lâu, việc phân cấp, phân quyền vẫn còn thiếu rõ ràng, vướng mắc đã phần nào hạn chế trong thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua.

Để có một chính quyền mạnh trong điều hành kinh tế, ngoài các công cụ nói trên thì chính quyền các địa phương trong đó có Nghệ An cần phải nỗ lực hơn nữa xây dựng một chính quyền thân thiện, năng động và cầu thị; xác định được những thực tiễn tốt trong CCHC chính tại các Sở, Ban ngành, và huyện, thị; xây dựng và củng cố các công cụ giám sát, hỗ trợ và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành, tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh giữa các Sở, Ban ngành, huyện, thị; tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch, tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các Sở, ngành./.

Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An

Nguồn: Vietnam Business Forum