Khu công nghiệp: Đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

12:56:37 | 19/4/2011

Các khu công nghiệp (KCN) Lâm Đồng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển. Trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cở sở hạ tầng các KCN nhằm tăng sức hút đầu tư vào địa bàn.

Về công tác quy hoạch, đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có 03 KCN được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với tổng diện tích quy hoạch 855,32 ha. KCN Lộc Sơn với diện tích 185 ha đang ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến cà phê, chè, tơ tằm, sản xuất gạch Tuy nen, vật liệu xây dựng, sản xuất nhôm, đá ốp lát, lắp ráp điện tử, dệt lụa tơ tằm, chế biến gỗ, đóng giầy, may mặc, KCN Phú Hội với diện tích 174 ha, các ngành nghề ưu tiên đầu tư là công nghiệp chế biến thực phẩm, rau quả, thuỷ sản, đường sữa, rượu, bánh, mứt, kẹo; Công nghiệp sản xuất phân bón, vật liệu xây dựng, gạch cao cấp; Công nghiệp chế biến lâm sản, các sản phẩm gỗ, ván ép; Công nghiệp luyện kim, hoá chất như: thuộc da, keo dán, sản xuất bentoxit, diatomit, thiếc,… KCN - Đô thị Tân Phú với tổng diện tích 496,32 ha, trong đó diện tích KCN là 415,49 ha, hiện đang trong giai đoạn thương thảo, mời gọi nhà đầu tư xây dựng- kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Ong Lê Đình Phước, Trưởng Ban Quản lý KCN Lâm Đồng

Theo ông Lê Đình Phước, Trưởng Ban Quản lý KCN Lâm Đồng thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đến nay đã thực hiện với diện tích đất KCN 253,34 ha; diện tích đất Khu dân cư - công nhân 39,60 ha. Tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng KCN nhìn chung đã hoàn thiện các hạng mục hạ tầng chủ yếu như giao thông, cấp điện, cấp nước, viễn thông… cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ đầu tư và hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN.

Về kết quả thu hút đầu tư, đến nay Ban Quản lý (BQL) đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN với số dự án còn hiệu lực là 53 dự án, trong đó có 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 43,11 triệu USD và 42 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.230 tỷ đồng và diện tích đất chiếm 125,8 ha, lao động 7.687 người; có 20 doanh nghiệp/dự án đi vào hoạt động và 1.030 lao động làm việc; số còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục xây dựng, lắp đặt nhà máy. Đến nay đã có 20 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các KCN, trong đó 05 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng theo ông Phước thì hiệu quả hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp KCN qua các năm, nhìn chung đều có sự gia tăng phát triển. Tổng doanh thu thực hiện từ năm 2005 đến cuối năm 2010 đạt 856 triệu USD, trong đó xuất khẩu 522 triệu USD, giá trị hàng hóa bán vào nội địa đạt 334 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 15 triệu USD. Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các chính sách ưu đãi, kích cầu đầu tư tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng có ưu đãi lãi suất; danh mục ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN với những dự án có dây chuyền công nghệ cao, sản xuất chế biến từ nguyên liệu của địa phương tạo ra sản phẩm xuất khẩu như: Dệt lụa tơ tằm và tơ tằm xe, vải dệt các loại, chế biến cà phê, chế biến trà, sản xuất cao lanh - Diatomit, sản xuất thép, vật liệu xây dựng,…

Từ những thành tích đã đạt được có thể khẳng định một điều, phát triển các KCN tập trung là chủ trương đúng đắn, là phương thức huy động vốn từ các thành phần kinh tế (nhất là FDI), là quá trình tiếp nhận thiết bị công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản lý hiện đại… tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo sức lan tỏa tác động trực tiếp vào quá trình đô thị hóa, hệ thống dịch vụ. Giải quyết thêm nhiều việc làm mới, từng bước cải thiện đời sống vất chất- tinh thần cho người lao động và nhân dân vùng dự án.

Theo Trưởng BQL KCN tỉnh Lâm Đồng thì nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của các KCN trong 5 năm tới là đẩy mạnh thu hút đầu tư; chú trọng giữa tỷ lệ lấp đầy và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng lớn, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu GDP của địa phương theo hướng hiện đại. Cùng với đó, sự phát triển của du lịch, ngành kinh tế động lực của địa phương cũng đang từng bước đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nhanh của Tỉnh.

Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2011 cơ bản lấp đầy giai đoạn I KCN Phú Hội và 80% KCN Lộc Sơn. Từ 2011- 2015 tập trung công tác mời gọi, chuẩn bị đầu tư, đẩy mạnh phát triển các KCN- Đô thị mới Tân Phú và tiếp tục triển khai KCN – Đô thị Đại Lào. KCN Lộc Sơn lấp đầy 80% diện tích. Phấn đấu đến hết năm 2013 lấp đầy diện tích KCN Lộc Sơn và KCN Phú Hội. Còn KCN- Đô thị Tân Phú phấn đấu đến hết năm 2015 lấp đầy 30 % diện tích. Tạo ra giá trị, khối lượng hàng hóa về hoạt động SXKD của các doanh nghiệp KCN (giai đọan 2011-2015): doanh thu 1.343 triệu USD, trong đó xuất khẩu 738 triệu USD.

Anh Thư