10:17:48 | 19/1/2022
Sau giai đoạn khởi động chuyển đổi số quốc gia thì năm 2022 và cả giai đoạn tiếp theo được giới chuyên gia nhận định là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương. Phỏng vấn của phóng viên với ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông. Thu Hà thực hiện.
Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong thời gian qua, đặc biệt là sau “cú huých trăm năm” là đại dịch Covid-19?
Đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, đã tạo ra cú huých giúp chuyển đổi số có những bước tiến thần tốc, với nhiều mục tiêu của 10-20 năm đã có thể thực hiện được trong 1 năm, thậm chí nhanh hơn. CĐS của năm 2021 ghi dấu ấn rõ nét nhất với những chiến dịch thần tốc như vậy:
Việc CSDLQG về dân cư được hoàn tất và vận hành hiêu qủa cũng là một hành trình thần tốc 500 ngày mà trong đó sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông là yếu tố quyết định sự thành công của dự án.
Nền tảng họp trực tuyến đến tận cấp xã kết nối Thủ tướng đến 63 tỉnh, 705 quận huyện và 9043 xã đã được triển khai thần tốc và hoàn thành đưa vào vận hành chỉ sau đúng 1 tuần, phục vụ nhu cầu cấp bách của công tác chỉ đạo phòng, chống dịch.
Nền tảng khám chữa bệnh từ xa kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trên cả nước với các bệnh viện lớn của trung ương được triển khai và hoàn thành gấp rút chỉ trong 2 ngày, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời mang đến cơ hội điều trị tốt hơn cho người bệnh ở tuyến dưới.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động để huy động máy tính, kết nối Internet đến cho 1,5 triệu học sinh trên khắp cả nước không có điều kiện để học trực tuyến.
Chương trình hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay trong năm đầu tiên triển khai đã giúp hơn 16.000 doanh nghiệp được tiếp cận các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số hàng đầu của Việt Nam, giúp đương đầu với dịch bệnh để tiếp kinh doanh, sản xuất.
Bên cạnh đó, theo thời gian, các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch dần được hoàn thiện, từng bước giải quyết, khắc phục vấn đề để phục vụ người dân được tốt hơn. Có thể nói, CĐS đang đi đúng hướng và đi nhanh, công nghệ đang được triển khai quyết liệt, để từ đó thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia.
Năm 2021, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu hướng vào giải các bài toán Việt Nam, nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài. Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Tuy nhiên để phát triển cộng đồng doanh nghiệp số ngày càng lớn mạnh, theo ông cần thêm những yếu tố gì?
Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC BKAV, MISA,… Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp công nghệ mới nổi, phát triển từ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như: Momo, 1Office, Base.vn, Anvui,… Cùng với đó là rất nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển ra các sản phẩm, nền tảng công nghệ phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Để thúc đẩy các doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh, tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu, cụ thể hóa các ý tưởng, khát vọng phục vụ chuyển đổi số quốc gia, cần tập trung vào một số vấn đề:
Thứ nhất, cơ chế chính sách để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư như: Chính sách sử dụng kinh phí R&D phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ trong doanh nghiệp nhà nước; Chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn,…;
Thứ hai, hành lang pháp lý. Như chúng ta biết, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, blockchain, robot,… đang được coi là tiềm năng phát triển của Việt Nam, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, có một số vấn đề phát sinh như tài sản chuyển từ tài sản hiện hữu lên môi trường số quản lý như thế nào, các phát sinh do các thực thể ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo ra quy định như thế nào,….
Bên cạnh đó, một yếu tố xúc tác vô cùng quan trọng mà Chính phủ có thể tạo ra để giúp các doanh nghiệp công nghệ số trong nước lớn mạnh đó chính là đặt những bài toán khó, giao những nhiệm vụ khó. 2 năm chung tay cùng Chính phủ phát triển các giải pháp công nghệ chống dịch chính là một bài toán lớn chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, và cũng chính là cơ hội trăm năm có một để các doanh nghiệp được thử thách, trưởng thành và tìm được những hướng đi mới cho chính mình.
Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực để thúc đẩy, phục hồi kinh tế sau đại dịch, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã được coi là một trong những giải pháp trọng tâm. Để làm đó, năm 2022, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có giải pháp gì thưa ông?
Trong năm 2021, để tăng cường công tác chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn, thành lập Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Ngày 30/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, tổ chức phiên đầu tiên. Tại phiên họp Thủ tướng đã chỉ đạo, một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện chuyển đổi số quốc gia năm 2022 với cả 03 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Một số mục tiêu cụ thể như sau: phát triển hạ tầng số để bảo đảm người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số do chính phủ, doanh nghiệp cung cấp như bảo đảm mọi người dân có năng lực đều có điện thoại thông minh để sử dụng các dịch vụ số; Bảo đảm 70% hộ gia đình có kết nối hạ tầng mạng Internet băng rộng cố định. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế số bảo đảm năm 2022 tỷ trọng kinh tế số trong GDP của quốc gia đạt 11,5%.
Các mục tiêu phát triển của 3 trụ cột chuyển đổi số nêu trên sẽ góp phần đáng kể vào phục hồi kinh tế hậu đại dịch ở những khía cạnh: Kích thích nền kinh tế với các dự án đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ, là cơ hội để vực dậy các doanh nghiệp công nghệ trong nước; Thiết lập một thị trường đầy tiềm năng cho nền kinh tế số; Công nghệ sẽ giúp kinh tế số tiếp cận đến mọi người dân, mọi hộ gia đình, thu hẹp khoảng cách số trong xã hội là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum