10:17:36 | 16/7/2022
Đây là khẳng định của ông Janusz Wojciechowski - Cao ủy phụ trách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) và ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Diễn đàn Nông nghiệp Việt Nam – EU. Sự kiện do Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Tp.HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Ủy ban châu Âu (EC), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Janusz Wojciechowski cho biết chuyến công tác lần này là nhằm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại về nông nghiệp - thực phẩm giữa Việt Nam và các quốc gia EU, đặt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực thực thi kể từ ngày 1/8/2020 và ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực, đưa Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của EU ở khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo ông Janusz Wojciechowski, nông lâm thủy sản là các mặt hàng được hưởng ưu đãi lớn từ EVFTA, mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nông lâm thủy sản Việt Nam thâm nhập và chinh phục thành công thị trường EU. Với bệ phóng mạnh mẽ là Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang EU dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2022 này. Thêm một thuận lợi khác là cơ cấu mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp mà ngược lại còn mang tính bổ trợ cho nhau. Điều này đồng nghĩa với EU và Việt Nam còn rất nhiều dư địa trong hợp tác thương mại về nông sản, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch…
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU không ngừng cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt từ sau khi có Hiệp định EVFTA. Kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản 2 chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020, 5,2 tỷ USD năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD. Điều quan trọng là Việt Nam và EU còn rất nhiều không gian để thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng nông sản, nhất là khi các mặt hàng trao đổi giữa hai bên đều có tính hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Ông Nam vui mừng cho biết trong chuyến công tác của ngài Janusz Wojciechowski lần này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Cao ủy Nông nghiệp EU đã có phiên thảo luận tích cực, tạo cơ hội thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp; thống nhất trao đổi thông tin về tiến độ mở cửa thị trường, tạo thuận lợi thương mại cho các mặt hàng nông lâm thủy sản mà hai bên có lợi thế; cùng ủng hộ việc rà soát và mở rộng danh mục các sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (GI) của cả 2 bên. Đây là cơ hội để cả Việt Nam cũng như các nước EU phát triển các sản phẩm làng nghề, đặc sản giá trị cao và giúp người dân, người tiêu dùng hiểu thêm về văn hóa, truyền thống phong phú của mỗi quốc gia.
Có thể thấy những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành nôngnghiệp Việt Nam là rất lớn. Tuy cơ hội luôn đi kèm thách thức, nhất là khi EU nổi tiếng là thị trường cầu toàn và hết sức khắt khe với hàng loạt rào cản kỹ thuật trong thương mại; các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch… Chưa kể khi tham gia EVFTA thì nguy cơ đối mặt các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp…cũng gia tăng đáng kể, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải hết sức cẩn trọng. "Yêu cầu đặt ra lúc này là hai bên cần tăng cường trao đổi kiến thức về tiêu chuẩn sản xuất và chúng tôi sẵn sàng hợp tác về các yêu cầu, tiêu chuẩn của chúng tôi đối với sản phẩm nhập khẩu" - ông Janusz Wojciechowski khẳng định.
Còn theo Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI - HCM Võ Tân Thành, tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA, chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam - EU cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để khai thác triệt để những tiềm năng thế mạnh nông nghiệp sẵn có như: xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp các-bon thấp; EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU và hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nghề cá, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung ứng thủy sản cho thị trường EU; thống nhất các nội dung về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)… Mặt khác, Việt Nam cũng mong muốn và đề nghị EC ủng hộ việc sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Ông Thành cho rằng sự cộng hưởng rất lớn từ hai Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ là bệ phóng vững chắc và mạnh mẽ nhất góp phần đưa hợp tác thương mại song phương Việt Nam - EU nói chung, hợp tác thương mại về nông sản nói riêng lên tầm cao mới.
Cũng nằm trong mục tiêu chung nâng hợp tác thương mại về nông sản Việt Nam - EU lên một tầm cao mới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất tổ chức một hội nghị thường niên về nông nghiệp để lãnh đạo và doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối cũng như tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; đề xuất xây dựng hệ thống logistic nông sản, tiến tới thành lập hiệp hội logistic về nông sản giữa Việt Nam và EU; đề xuất phối hợp xây dựng chuỗi an ninh lương thực theo hướng bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội trong khu vực và toàn cầu. "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với EU để tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, không tạo ra các rào cản thương mại mới nhằm thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản, vì lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai bên. Việt Nam cũng mong muốn thu hút các dự án FDI tập trung vào phát triển nông nghiệp tri thức; nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ; cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn; chế biến nông lâm thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp. Đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp 2 bên cùng tận dụng tốt nhất các ưu thế của nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những giá trị mới, khai thác tốt nhất thị trường khu vực và toàn cầu" - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Mỹ Châu (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI