09:03:34 | 11/10/2022
Sáng nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo có đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI.
Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở VCCI và trực tuyến đến 9 điểm cầu trên cả nước, với sự tham dự của hơn 300 đại biểu (150 trực tiếp và 150 trực tuyến) là đại diện lãnh đạo một số ban, bộ ngành trung ương, các học giả, chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương (13/10/1945 - 13/10/2022) và 18 năm ngày Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2022).
Hội thảo được tổ chức nhằm gợi mở một số vấn đề lý luận về đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, góp phần thống nhất về nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, từ đó tạo nền tảng hình thành và phát triển văn minh kinh doanh của đất nước. Đây cũng là hoạt động quan trọng thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo là nguồn thông tin có giá trị để VCCI báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, đề xuất với Bộ Chính trị các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo đã nhấn mạnh, đạo đức doanh nhân có vai trò tham gia điều tiết, định hướng cho các hoạt động kinh doanh theo hướng văn minh, vì con người. Do đó, đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh không chỉ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành cùng xã hội, phát huy trách nhiệm với cộng đồng, môi trường sinh thái mà còn là nguồn lực nội sinh để thúc đẩy sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Ông cho rằng: “Khi những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp thẩm thấu vào hoạt động kinh tế, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp sẽ vượt qua việc tìm kiếm những lợi ích chỉ cho mình, mà thăng hoa trở thành sứ mệnh và trách nhiệm cống hiến cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước”.
Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cũng khẳng định, văn hóa kinh doanh quốc gia có tính chi phối mọi mặt các hoạt động kinh doanh của một đất nước, là một trong những thành tố quyết định việc định hình, phát triển và khẳng định thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới. Xây dựng và nâng tầm văn hóa kinh doanh quốc gia sẽ giúp nhân lên ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp nước nhà, góp phần quan trọng tạo nên thành công của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Doanh nhân, với vai trò là người thủ lĩnh của doanh nghiệp, chính là chủ thể mang tính hạt nhân quyết định, thúc đẩy quá trình này. Vì vậy, để xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, cần tạo sự đồng nhất về tư tưởng, nhận thức trong giới doanh nhân cũng như toàn xã hội về các các giá trị đạo đức mà doanh nhân cần tuân thủ, bắt đầu bằng việc xây dựng và khuyến khích thực hành các quy tắc đạo đức doanh nhân.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng với hơn 20 bài viết tham luận chất lượng từ các học giả, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, phát triển con người và các doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp tâm huyết về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh quốc gia. Nội dung trao đổi, thảo luận cũng như các bài tham luận tham gia hội thảo là tiền đề quan trọng để VCCI tiếp tục tiên phong triển khai các giải pháp, hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa tinh thần xây dựng và thực hành đạo đức doanh nhân Việt; định hướng, hệ thống hóa các tiêu chí, chuẩn mực văn hóa kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh mới, góp phần nâng tầm văn hóa kinh doanh quốc gia trong khu vực và thế giới.
Hội thảo này sẽ là khởi đầu cho chuỗi các hội thảo, diễn đàn về chủ đề đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh dự kiến được VCCI tổ chức thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) hàng năm. Đây là hoạt động trọng tâm triển khai Chương trình hành động thực hiện một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Đại hội VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 về“Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, trong đó, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức doanh nhân, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.
Trước đó, trong tháng 5/2022, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã tổ chức Lễ công bố và phát động thực hành 06 quy tắc đạo đức doanh nhân. Bộ quy tắc do Ban Chấp hành VCCI ban hành gồm: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) Tuân thủ pháp luật; (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Các quy tắc này là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng nhất, lần đầu tiên được áp dụng trong quy trình bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 do VCCI tổ chức./.
Nguồn: Vietnam Business Forum
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI