Xây dựng văn hóa kinh doanh thời kỳ hội nhập

09:47:22 | 8/11/2022

Trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng văn hoá kinh doanh có vai trò quan trọng trong việc tồn tại và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa kinh doanh là tăng cường năng lực cạnh canh của doanh nghiệp

PGS.TS Lê Thị Bích Thuỷ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, văn hoá kinh doanh là toàn bộ các giá trị văn hoá do chủ thể kinh doanh (doanh nhân) sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động kinh doanh, trong sự tương tác giữa chủ thể kinh doanh với môi trường kinh doanh, góp phần tạo nên bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp và văn hoá của doanh nhân. Văn hoá kinh doanh được cấu thành bởi các yếu tố như: triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp và văn hoá ứng xử trong hoạt động kinh doanh... 

Trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã mang lại nhiều cơ hội và đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế đất nước và các doanh nghiệp Việt nam. Xây dựng văn hoá kinh doanh là yếu tố quan trọng để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quyết định của người tiêu dùng.

Hiện nay, Việt Nam có trên 850.000 doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh, tương ứng với đó là số lượng doanh nhân lên đến hàng triệu người. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, tỷ lệ doanh nhân có trình độ học vấn ngày càng cao, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã thể hiện bản lĩnh, sáng tạo, năng động trong cơ chế thị trường, vươn lên cạnh tranh thị trường trong khu vực và thế giới.

Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong kinh doanh dựa trên những cam kết về giá trị và các nguyên tắc phát triển bền vững và đem lại thành công cho doanh nghiệp như: Tập đoàn FPT, Tổng công ty sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Vingroup, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam,… Tại những doanh nghiệp này, các hoạt động xã hội được đề cao như: hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường, các cam kết, triết lý kinh doanh được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên,… Đồng thời, hành vi cá nhân tại nơi làm việc được xây dựng dựa trên các nguyên tắc và nghiêm túc thực hiện, diện mạo doanh nghiệp được quan tâm xây dựng và trang trí đẹp mắt gây ấn tượng mạnh mẽ, tạo nên tâm lý thoải mái với khách hàng và đối tác… Sự thể hiện đó đã góp phần làm nên đặc trưng cho doanh nghiệp, tạo ra sự thành công cho các thương hiệu của các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Con người là yếu tố quan trọng để xây dựng văn hóa kinh doanh

Theo PGS.TS Lê Thị Bích Thuỷ, xây dựng văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, doanh nhân. Để xây dựng văn hoá kinh doanh và đạo đức doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, “có chuẩn mực văn hoá, đạo đức tiến bộ và trình độ quản lý, kinh doanh giỏi” cần thiết phải thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp.

 “Để xây dựng thành công văn hóa kinh doanh, cần có sự tham gia của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục, vận động người lao động trong doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của phát triển văn hoá kinh doanh trong từng hoạt động của doanh nghiệp để mọi người tích cực chủ động tham gia hơn nữa vào việc xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục như: thông qua các các cuộc họp, hội nghị, tổng kết… thường xuyên có những hình thức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao sự hiểu biết về văn hoá doanh nghiệp cho nhân viên và người lao động, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực mới được tuyển dụng vào đơn vị”, PGS.TS Lê Thị Bích Thuỷ nhận định.

Cùng với đó, DN nên tuyển dụng nhân viên phù hợp với văn hoá kinh doanh, phát huy năng lực con người và cụ thể hoá tiêu chí văn hoá kinh doanh vào quá trình đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Khi xây dựng văn hoá kinh doanh, các doanh nghiệp đều mong muốn duy trì và phát huy những thế mạnh, những giá trị nổi bật mang đặc trưng riêng trong của đơn vị mình. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc cởi mở, thân thiện sẽ để mọi người có thể tự tin chia sẻ thông tin, những kiến thức thu nhận được trong thực tiễn công tác, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, khắc phục những hạn chế còn tồn đọng liên quan đến vấn đề giao tiếp, ứng xử giữa các thành viên trong DN. Các doanh nghiệp cần xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng hơn về công việc và quy trình thực hiện công việc cho từng vị trí việc làm; xây dựng hình tượng nhà lãnh đạo quản lý cởi mở, thân thiện với nhân viên trong phong cách giao tiếp, văn hoá ứng xử với đồng nghiệp…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc những cam kết với đối tác và khách hàng như đã công bố về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp, giữ chữ Tín đối với khách hàng và đối tác. Đồng thời, cần có sự cân đối hài hoà giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội, tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội như: bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ những đối tượng khó khăn và yếu thế…; xây dựng những chuẩn mực chung về văn hoá kinh doanh và triển khai thực hiện bộ quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam trong các doanh nghiệp.

“Xây dựng văn hoá kinh doanh là một quá trình đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục nỗ lực thực hiện. Những giá trị văn hoá kinh doanh không phải là cố định và có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp và sự thay đổi của xã hội. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần thường xuyên đôn đốc việc thực hiện văn hoá doanh nghiệp, kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả của việc thực thi văn hoá doanh nghiệp trong kinh doanh để kịp thời phát hiện những giá trị văn hoá tích cực, phù hợp cần tiếp tục được phát huy, đồng thời loại bỏ những giá trị không còn phù hợp và thay thế bằng những giá trị văn hoá mới phù hợp với thời đại và sự phát triển của doanh nghiệp”, PGS.TS Lê Thị Bích Thuỷ khẳng định.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)