Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng” của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, đối sách cho tương lai của nền kinh tế cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ tập trung vào hai chính sách quan trọng đó là chính sách tiền tệ và tài khóa.


Đối sách cho tương lai của nền kinh tế cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ tập trung vào hai chính sách quan trọng là chính sách tiền tệ và tài khóa.

Theo đó, Vị đại diện Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng dự báo, sắp tới đây sẽ có nhiều vấn đề khó khăn xảy ra, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng.

Cùng với đó, những sự cố trên thị trường chứng khoán xảy ra liên tục, chưa bao giờ thị trường biến động xuống thấp như hiện nay, nhưng lại có lúc trồi lên rất cao, thể hiện sự chưa ổn định và yêu cầu cần sớm ổn định thị trường.

Ngoài ra về sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp dệt may chia sẻ vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023, hay một số ngành nghề khác cũng thiếu vắng đơn hàng.

“Nguyên nhân để xảy ra những vấn đề này bao gồm cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, ảnh hưởng từ các thị trường lớn như Anh, Mỹ, Pháp, Đức cũng gặp khó khăn. Đây là vấn đề về kinh tế toàn cầu nên Việt Nam không thể nằm ngoài. Tuy nhiên, “cùng thì biến, biến thì hanh thông”, trong cái khó có những người biến được có những người không. Nghĩa là trong khó khăn sẽ bật ra những doanh nghiệp mới, còn những doanh nghiệp không đủ sức chống chọi, không bật lên được sẽ vô cùng nguy hiểm”, ông Long ví von.

Giới chuyên gia nhận định, chính nhờ sự điều hành kịp thời của Chính phủ, linh hoạt phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa đã giúp ổn định tỷ giá, góp phần kiềm chế lạm phát.

"Chính sách điều hành tiền tệ trong thời gian qua rất chắc tay. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì chính sách "chắc tay" như thế thì chúng ta sẽ đưa lạm phát về mức thấp. Như vậy, chúng ta phải kiên định giữ được tỷ giá, nhưng kiên định không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt để nó phù hợp với thị trường", ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định: "Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định thực hiện chính sách như vừa qua đã làm. Cái này thì Thủ tướng và Chính phủ cũng đã chỉ đạo là linh hoạt và chủ động. Thứ hai là phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo chúng ta vừa kiểm soát tốt câu chuyện về tỷ giá, cũng như kiểm soát tốt câu chuyện về lạm phát".

Cũng liên quan giải pháp chính sách tiền tệ và tài khóa cho kinh tế 2023, trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua mới đây có đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% với yêu cầu nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công. 


Chuyên gia cho rằng cần duy trì chính sách điều hành tiền tệ "chắc tay" để đưa lạm phát về mức thấp

GS.TS Hoàng Văn Cường đánh giá, hiện nay, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, mà dư địa của chính sách tài khóa tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định.

“Do đó, có thể nghiên cứu mở rộng chính sách tài khóa để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhận định.

Theo vị chuyên gia, tất nhiên, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực. Còn ngược lại, nếu dòng vốn không đi vào đúng lĩnh vực, đúng tiến độ thì hiệu quả với tăng trưởng sẽ không như mong muốn, ngược lại còn có thể gây những bất ổn.

“Yêu cầu mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa là phải gắn dòng vốn đó vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho tăng trưởng”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào cũng nhận định, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu.

Để đối phó với những thách thức này, các chính sách cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý các rủi ro tiêu cực, giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

Theo ông Painchaud, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả. Nên cân nhắc vị thế chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng. Bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu. Mặc dù chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện kể từ cuối năm 2021, rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng tăng lên, căng thẳng trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện thanh khoản ngân hàng thắt chặt hơn và lãi suất cao đòi hòi phải giám sát chặt chẽ rủi ro ổn định tài chính.

"Các chính sách tài khóa cần linh hoạt và nhắm trúng đối tượng hơn nếu áp lực lạm phát tăng lên. Và những nguồn vốn này cần phải đi đúng và trúng tạo tăng trưởng cho nền kinh tế, hạn chế tín dụng đi vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro", Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào cho biết.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp