13:12:16 | 16/12/2022
Quan hệ thương mại luôn là điểm sáng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã chia sẻ với phóng viên nhiều thông tin quan trọng xung quanh chủ đề này cũng như những giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước.
Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu như thế nào trong quan hệ thương mại thời gian qua, thưa ông?
Việt Nam và Hàn Quốc đã trải qua 3 thập kỷ thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao, cùng nhau phát triển và hướng tới mục tiêu cấp cao hơn để trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện” trong những lĩnh vực đa dạng như kinh tế, mậu dịch, đầu tư, văn hóa, con người. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết và có hiệu lực từ tháng 12/2015 tạo cơ hội thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc liên tục tăng trưởng.
Bên cạnh hợp tác đầu tư, quan hệ thương mại luôn là điểm sáng trong quan hệ của hai nước. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt trên 78 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2020 và chiếm 11,6% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam với thế giới (668,5 tỷ USD). Và tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc ước tính đạt 73,5 tỷ USD, tăng hơn 16,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên các diễn đàn thương mại đa phương, Việt Nam và Hàn Quốc thường xuyên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ thương mại đa phương như WTO, ASEAN, APEC,... Đặc biệt, tại Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Công nghiệp Thương mại và Năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 12/2021, hai Bên đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ để thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) từ ngày 01/01/2022 nhằm góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư, củng cố các chuỗi cung ứng trong khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tháng 12/2020: Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác năng lượng, công nghiệp và thương mại và Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra tại Hà Nội
Theo ông, đâu là cơ hội và thách thức trong hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường Hàn Quốc những năm gần đây?
Trong những năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tình hình thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn có chiều hướng tích cực, hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2023. Để đạt được các thành tựu đã nêu trên, có thể thấy rõ việc Việt Nam mở cửa hội nhập với quốc tế là một trong những cơ hội giúp thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Việc cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA tạo một cú hích lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vào thị trường Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, thị trường mở cửa và thông thoáng hơn, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu cũng như các máy móc, thiết bị, công nghệ/ kỹ thuật chất lượng tốt và ổn định với mức giá cạnh tranh, qua đó nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình.
Bên cạnh các cơ hội và quyết tâm của chính phủ và cộng đồng hai nước như trên, hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc đang có những khó khăn nhất định, đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh từ doanh nghiệp các nước trong khối ASEAN nói riêng, và các nước trong khu vực châu Á nói chung. Ngoài ra các rào cản kỹ thuật và yêu cầu của thị trường Hàn Quốc về các tiêu chuẩn cao đang tạo ra những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán hàng quy mô nhỏ của Việt Nam.
Rào cản ngôn ngữ cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định của các thị trường nước ngoài cũng là khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và cộng động Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh với quy mô khoảng 200 nghìn dân tại mỗi nước đang giúp cho rào cản ngôn ngữ và văn hóa giữa hai nước ngày càng thu hẹp và hỗ trợ gián tiếp hiệu quả cho giao dịch kinh doanh.
Nhận thức được các vấn đề trên, trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp tích cực với các tổ chức liên quan như AKC, KOTRA, KOICA,… để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tầm quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường giao dịch thương mại và hợp tác kinh doanh. Tháng 11/2019, Cục Xúc tiến thương mại và KOTRA đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc. Trong khuôn khổ hợp tác của biên bản ghi nhớ, hai bên đã thống nhất thành lập ban KOREA DESK nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại và đầu tư. Sau gần 3 năm hoạt động, các chương trình đã và đang phát huy hiệu quả, nhận được sự tham gia đông đảo từ các nhà doanh nghiệp Hàn Quốc, đại diện các địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam. KOREA DESK đang đóng vai trò là một cầu mối kết nối thương mại, hợp tác kinh doanh và đầu tư ngày càng quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tạo tiền đề để phát huy thế mạnh của hai nước và khắc phục các hạn chế trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.
Ngoài các biện pháp xúc tiến thương mại truyền thống, Cục Xúc tiến thương mại, các cơ quan liên quan, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đang có những bước tiến cơ bản để giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào hệ thống bán lẻ của Hàn Quốc một cách bài bản.
Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam
Ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hàn Quốc?
Ở góc độ doanh nghiệp, để triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững cho hàng hóa Việt Nam, chúng tôi xin chia sẻ một số lời khuyên như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật gì, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chủ động tham gia các hội chợ chuyên ngành tại Hàn Quốc để tìm hiểu nhu cầu thị trường và đáp ứng một cách chính xác. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần bắt tay cùng doanh nghiệp Hàn Quốc phân tích thị trường với từng sản phẩm cụ thể, kết hợp các chiến lược marketing trên nền tảng mạng xã hội.
Đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các hiệp hội ngành hàng trong nước với các hiệp hội ngành hàng của Hàn Quốc cũng như với các tập đoàn phân phối như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shopping,... nhằm tăng cơ hội bán hàng vào hệ thống các siêu thị và kênh phân phối tại Hàn Quốc. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, bán sản phẩm tại các trang thương mại điện tử lớn của Hàn Quốc như Coupang, Gmarket,… từng bước thâm nhập thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc. Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động liên kết giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Thứ hai, thị trường Hàn Quốc hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng, nhất là 5 năm trở lại đây. Song song đó là sự lên ngôi của những sản phẩm tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già. Tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG (môi trường, xã hội và quản trị) cũng trở nên thông dụng hơn và là xu thế tại Hàn Quốc.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển sản phẩm, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan,...
Thứ ba, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo nhân lực có ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại, có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, biết cập nhật công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường quốc tế một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Những giải pháp để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại mà Bộ Công Thương đang triển khai là gì, thưa ông?
Đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường khi hàng rào phòng vệ thương mại đang được dựng lên ngày một nhiều, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới sẽ phải cân nhắc đến những giải pháp cụ thể:
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời triển khai công tác thông tin, cảnh báo cho các doanh nghiệp về các yêu cầu, quy định nhập khẩu của thị trường nước sở tại đang áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam trong việc cải tiến kỹ thuật sản xuất, chú trọng đến sản xuất theo các quy chuẩn quốc tế, xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo hàng hóa đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hạn chế tối đa rủi ro khi xuất khẩu hàng Việt Nam.
Tăng cường đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng phát triển sản phẩm, chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa để đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn về hàng hóa mà các nước nhập khẩu đặt ra.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ địa phương và hiệp hội ngành hàng trong việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ra thị trường ngoài nước, góp phần bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ phát triển xuất khẩu, hạn chế tối đa việc hàng nhái, hàng giả được mang đi xuất khẩu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI