15:31:33 | 16/7/2022
Luật PPP quy định áp dụng đối với lĩnh vực y tế đang đặt ra những băn khoăn, khó khăn, bất cập đối với doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực y tế tư nhân.
Còn nhiều bất cập
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI nhận định, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, hiện có rất ít dự án PPP được chấp thuận đầu tư. Một số quy định trong Luật PPP và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án hạ tầng theo hình thức PPP.
Điển hình trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Tiến Quân, Tổng thư ký Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, hiện nay, chủ trương xã hội hóa y tế vẫn tiếp tục được Đảng, Chính phủ khuyến khích thực hiện song khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân, mỗi địa phương áp dụng và hướng dẫn nhà đầu tư các quy định pháp luật theo cách khác nhau. Có địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu. Có địa phương áp dụng Luật Đầu tư nhưng không áp dụng ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư như quy định trong Luật mà áp dụng Nghị định. Có địa phương cho phép nhà đầu tư áp dụng chính sách xã hội hóa thực hiện dự án bệnh viện tư nhân nhưng phải kết hợp quy định Luật Đất đai.
Đặc biệt, từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, một số địa phương đã hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng thực hiện dự án theo các quy định của Luật PPP, nhưng chính các địa phương cũng lúng túng trong tổ chức triển khai thực hiện Luật.
Cụ thể, về tổng mức đầu tư dự án y tế, PPP quy định không thấp hơn 100 tỷ đồng. Nhưng theo ông Quân, thực tế trong đầu tư y tế có câu chuyện cùng một dự án bệnh viện nhưng doanh nghiệp đầu tư với mức giá khác và cơ quan nhà nước đầu tư với mức giá khác.
Nên bỏ đấu thầu với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất
Một vấn đề nữa, ngoài dự án PPP do nhà nước đề xuất thì Luật quy định nhà đầu tư có thể tự đề xuất dự án PPP.
Tuy vậy, ông Quân cho rằng, băn khoăn lớn nhất của nhà đầu tư chính là, cho dù dự án do nhà đầu tư tự đề xuất thì vẫn phải tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc đàm phán cạnh tranh. “Đây là cội rễ của vấn đề nhức nhối “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu dự án”, ông Quân nói.
Do đó, ông Quân đề nghị phải có quy định cụ thể để bảo vệ nhà đầu tư chân chính, cần thiết nên bỏ việc đấu thầu đối với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất.
Đối với cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật PPP quy định: “Khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính”.
“Khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế”.
Đại diện Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho rằng điều này áp dụng với lĩnh vực y tế khó khả thi. Bởi y tế là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi doanh nghiệp khi đầu tư đều dành tất cả phần lợi nhuận để tiếp tục tái đầu tư, nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng… nên sẽ không bao giờ có lợi nhuận để chia sẻ cùng nhà nước. Nếu chỉ dừng lại ở việc đầu tư xong rồi vận hành năm sau sẽ ngay lập tức bị lỗi thời, lạc hậu và kém hiệu quả.
Ngoài ra, trong đầu tư lĩnh vực y tế, việc chấm dứt hợp đồng dự án PPP sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy và ảnh hưởng vô cùng lớn đối với nhà đầu tư cũng như khiến cho cơ quan quản lý nhà nước khó xử lý.
Nguồn: Vietnamm Business Forum