VCCI - dấu ấn những ngày đầu

22:17:40 | 24/4/2023

Lời Ban biên soạn: Nguyên Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Thành (giai đoạn 1993 - 2003), người có công lao to lớn đưa vị thế của VCCI lên một tầm cao mới. Vị trí của VCCI ngày càng nâng cao, mở ra nhiều hoạt động phong phú, trở thành một tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội có uy tín ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.


Năm 2002 - Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Thành phát biểu tại Hội nghị cán bộ công nhân viên chức VCCI

Điều quan trọng là phải tích lũy xây dựng cơ sở vật chất

Năm 1993, VCCI chính thức tách khỏi Bộ Ngoại thương, trực thuộc lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ. Sau khi VCCI tổ chức Đại hội lần thứ II, tôi được bầu làm Chủ tịch VCCI. Khi đó, VCCI chưa có cơ sở vật chất gì nhiều, các hoạt động cũng chưa có gì quan trọng, nói chung, gần như “tay trắng”. Bởi vậy, gánh nặng trách nhiệm trong tôi khá lớn, nhưng với bản lĩnh “dám nghĩ dám làm”, và cũng xuất phát từ kinh nghiệm đã làm ở Hải Phòng, Bộ Ngoại thương và Bộ Kinh tế đối ngoại, Viện Quản lý kinh tế Trung ương,… tôi đã “vượt khó” để xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất khá đầy đủ cho VCCI để hoạt động từ Bắc vào Nam.

VCCI – với danh nghĩa bên ngoài là Tổ chức phi chính phủ (NGO), phải tự lo liệu về ngân sách, không ăn lương của ngân sách nhà nước. Khi nhận quyết định làm Chủ tịch VCCI, trong tôi đã định hướng về 3 việc lớn phải làm, đó là: Xây dựng cơ chế cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mà điều quan trọng nhất là xây dựng Điều lệ của Phòng, thông qua Đại hội và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời xây dựng bộ máy phù hợp với quy mô, chức năng, nhiệm vụ của Phòng đúng với điều lệ được duyệt; Xây dựng cơ sở vật chất cho Phòng, đồng thời bảo đảm ngân sách của Phòng được ổn định, từng bước đi lên một cách vững bền; và phải xác lập cho được vai trò của doanh nghiệp (DN) trong xã hội, là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng nền kinh tế đất nước, bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Đảng được vững chắc.

Trong các nhiệm vụ trên, việc xây dựng cơ sở vật chất cho VCCI đã khiến tôi mất nhiều tâm huyết trong thời kỳ đầu VCCI hoạt động độc lập.

Khi đến nhận nhiệm vụ tại 33 Bà Triệu, trong một ngôi nhà cổ kính (là một trong bốn ngôi nhà cổ kính nhất Hà Nội) với tổng diện tích 600m2, nhưng cùng chung trong khu này còn có 3 cơ quan của Bộ Ngoại thương sử dụng. Về sau, các cơ quan kia chuyển đi, dành khu vực này cho VCCI.

Đầu tiên, tôi nâng cấp nhà 33 Bà Triệu, ngôi nhà cổ vốn trông như một con “bọ hung”, nhìn rất buồn cười. Ngôi nhà sau khi cải tạo, nâng cấp đã trở nên đẹp hơn rất nhiều, diện tích được mở rộng lên hơn 2.000m2, với một đơn nguyên mới, xây áp vào phía sau nhà, làm mất hẳn dáng con “bọ hung”, thành một ngôi nhà 4 tầng, tuy nhỏ nhưng vẫn có vẻ bề thế, hiên ngang. Số tiền để nâng cấp ngôi nhà tôi huy động được là do quy tụ được mọi nguồn tiền hiện có ở Hà Nội, các chi nhánh, nhất là chi nhánh TP.Hồ Chí Minh và một số công ty đóng góp.


Năm 1995 - Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Thành và ban lãnh đạo VCCI đón tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm và làm việc

Sau khi hoàn thành nâng cấp trụ sở 33 Bà Triệu, Phòng được Chính phủ phân cho khu đất tại số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội để xây dựng trụ sở mới, đáp ứng nhu cầu phát triển cần thiết. Điều đáng nói và cũng là khó khăn đầu tiên, đó là vốn xây dựng - lấy từ đâu? Chúng tôi đã phải huy động toàn lực của Phòng, từ các chi nhánh, các công ty, nhất là những công ty có thu nhập khá như Công ty Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ,… nhưng vẫn không đủ. Chúng tôi bàn bạc với Công ty Toyota, hợp tác xây dựng bằng góp vốn xây nhà để thuê trong 10 năm, trả tiền trước 6 năm (bằng khoảng 1,7 triệu USD thời giá lúc bấy giờ). Tôi cũng vay của một công ty Nhật Bản được 180.000 USD với lãi suất 0%, bao giờ có tiền thì trả cũng được, còn nếu khó khăn quá thì công ty đó ủng hộ. Rồi cũng phải vay thêm các công ty trong nước mới đủ tiền. Tổng số tiền huy động tương đương khoảng 10.000 cây vàng (thời giá lúc bấy giờ) để xây dựng và hoàn thiện trụ sở tại Hà Nội.

Với số tiền huy động được, Ban lãnh đạo Phòng quyết định khởi công xây trụ sở mới vào tháng 3/1998. Hàng ngày, trừ những ngày đi công tác xa, hôm nào tôi cũng đến hiện trường xem xét, bàn bạc với bên công ty xây dựng để giải quyết những ách tắc. Một công trình cao 8 tầng, diện tích sử dụng là 10.000m2, to lớn như vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc,… Phải nói là vô cùng gian khổ. Chưa kể là chúng tôi phải bảo đảm giao nhà cho Toyota thuê, vì mỗi tháng chậm là mất 30.000 USD và còn bị phạt.

Kết quả cuối cùng có được cũng khiến chúng tôi được thở phào, bao gian nan vất vả của gần 30 cán bộ VCCI thời điểm đó tại trụ sở Hà Nội cũng đã được đền đáp xứng đáng. Thời gian thi công chưa hết 10 tháng, với chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật bảo đảm như dự kiến. Một ngôi nhà lớn nhất của VCCI, cũng có thể nói là một trong những tòa nhà lớn của Hà Nội lúc bấy giờ, hiện đại, bề thế, với 2 thang máy hoạt động liên tục, nhìn thấy mà tự hào. Điều quan trọng là nó hoàn toàn sở hữu của VCCI, không xin Chính phủ đồng nào và cuối cùng cũng trả hết nợ.

Sau khi xây dựng xong trụ sở ở Hà Nội, tôi bắt tay vào sửa chữa chi nhánh VCCI tại TP.Hồ Chí Minh ở đường Võ Thị Sáu, xây mới văn phòng chi nhánh VCCI tại Vũng Tàu, rồi Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng (vốn các chi nhánh này vẫn phải thuê nhà để hoạt động). Các nơi đều xây trụ sở làm việc khang trang, sạch đẹp, tạo thành một mạng lưới VCCI nối liền từ Bắc - Trung - Nam, tạo điều kiện cho cán bộ của Phòng tiếp xúc với DN được thuận lợi. Doanh nhân đến trụ sở Hà Nội hay ở các chi nhánh, được coi như “ngôi nhà chung”, có đủ phương tiện làm việc, tra cứu, kết nối mạng khi cần. Các hội thảo trong nước và quốc tế đã có nơi đàng hoàng để tổ chức, tiếp khách ngoại cũng tự tin hơn.

Ý tưởng của tôi là mọi người phải tự vận động, hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đi xin ngân sách hoặc vay ngân hàng là chẳng đừng được mới xin và vay. Có như vậy mới huy động được lòng ham muốn của con người thành động lực tạo ra vật chất cho mình và cho xã hội.  Đối với VCCI cũng vậy, tôi đã từng bước xây dựng cơ sở từ Hà Nội, Hải Phòng, đến Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh cũng với cách “tự lực cánh sinh”, tự huy động tài chính. Ngoài việc để sử dụng, chúng tôi cho thuê các vị trí khác trong tòa nhà để có thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên, không xin tài trợ của Nhà nước. Tôi muốn gây dựng vốn để VCCI hoạt động lâu dài, có nguồn thu để chi lương, giải quyết phúc lợi, khen thưởng hàng năm,... Nhưng điều quan trọng là phải tích lũy xây dựng cơ sở vật chất, làm “bệ đỡ” để phát triển hoạt động cho những năm sau.


Nguyên Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Thành nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chính phủ tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập VCCI vào tháng 4/2013

Mở đường cho DN Việt tiếp cận thị trường nước ngoài và cải thiện môi trường kinh doanh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng thời kỳ đầu của VCCI đặt ra là “khai phá” các thị trường mới, nhiều tiềm năng để mở đường cho DN Việt đi ra “biển lớn”. Một trong những thị trường lớn và rất nhiều tiềm năng đối với DN Việt Nam chính là Mỹ, bởi vậy, tháng 9/1994, sau 7 tháng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, đoàn DN Việt Nam gần 200 DN do tôi dẫn đầu sang thăm Mỹ và tham gia triển lãm tại thành phố San Francisco, bang California. Phải nói rằng, đây là đoàn DN hùng hậu nhất của Việt Nam lần đầu tiên sang Mỹ. Trong 5 ngày triển lãm, rất nhiều khách tham quan đến xem, hàng hóa của các DN Việt Nam mang theo đến ngày thứ ba đã bán hết. Đoàn DN Việt Nam rất phấn khởi và tự hào. Cuộc triển lãm đã thành công ngoài mong đợi và đã được Bộ Ngoại giao ghi vào Báo cáo đối ngoại năm 1994 là 1 trong 10 sự kiện lớn nhất về đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đó.

Có thể nói chuyến đi lịch sử của đoàn DN Việt Nam sang Mỹ thời gian đó là bước đột phá cho kỷ nguyên mới về chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam là làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Chuyến đi cũng mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai cộng đồng DN hai nước. Cùng với những diễn biến quan trọng cấp cao khác của hai nước, sự kiện này đã góp phần mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.

Ngoài ra, một cuộc hội thảo về “Biến chiến trường thành thị trường” do Chính phủ Thái Lan tổ chức tại Bangkok - Thái Lan năm 1998 và mời Việt Nam tham gia cũng là một sự kiện  quan trọng trong quá trình tìm kiếm thị trường, hợp tác đầu tư cho DN Việt Nam. Khi đó, tôi đã dẫn đoàn DN tháp tùng lãnh đạo Chính phủ tham dự sự kiện. Phải nói rằng, ý tưởng biến chiến trường (vì Việt Nam đã trải qua nhiều năm chiến tranh) thành thị trường, nơi có thể giao lưu trao đổi hàng hóa và kinh doanh thuận lợi của Thủ tướng Thái Lan lúc đó đã khiến nhiều DN và các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN có dịp tìm hiểu về Việt Nam một cách cụ thể và rõ ràng hơn. Khi đó, 3 cơ quan quan trọng là Phòng Thương mại Thái Lan, Hiệp hội công nghiệp Thái Lan và Hiệp hội ngân hàng Thái Lan cũng đã có sự ủng hộ Việt Nam cũng như VCCI rất mạnh mẽ. Đây cũng là lần đầu tiên VCCI dẫn đoàn DN sang Thái Lan, được gặp gỡ với các đối tác trong khu vực ASEAN, thực sự là cơ hội quý giá để VCCI, với sứ mệnh dẫn dắt của mình, tìm con đường hội nhập trong khu vực ASEAN cho cộng đồng DN Việt còn non trẻ lúc bấy giờ.

Cùng với quá trình tìm đường cho hàng hóa, DN Việt Nam hội nhập thế giới, VCCI cũng tích cực trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Có thể nói, VCCI cũng đã tạo nên dấu ấn quan trọng trong quá trình xây dựng và soạn thảo Luật DN năm 1999 - được thực thi vào năm 2000. Bộ Luật đã mang một luồng gió mới đến cho cộng đồng DN Việt Nam lúc bấy giờ. Trong quá trình soạn thảo Luật, lần đầu tiên VCCI có vai trò tham vấn và đóng góp xây dựng Luật. Khi đó, VCCI đã phối hợp với Viện quản lý kinh tế Trung ương, các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đông đảo cộng đồng DN, hiệp hội DN đóng góp ý kiến. Tại các cuộc hội thảo đó, các chuyên gia, nhà quản lý, xây dựng chính sách,... được nghe thực tế và hiểu rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc cũng như thuận lợi trong quá trình hoạt động DN, chứ không phải “xây dựng Luật trong phòng máy lạnh”. Chính những sự kiện đó khiến cho Luật DN 1999 được xây dựng tốt, nhiều điều khoản hợp lý, rõ ràng, thực tế, được cộng đồng DN đánh giá cao. Và cũng vì thế mà việc thực thi cũng được thuận lợi hơn, các DN biết làm như thế nào để thực hiện, không bối rối và khó hiểu như trước.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật cũng không dễ dàng. Để thúc đẩy việc thực hiện Luật, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, và VCCI cũng có 2 thành viên trong Tổ. Tổ Công tác đã phải làm việc với các DN để phát hiện ra trên 400 giấy phép con, đề xuất bãi bỏ trên 200 giấy phép con, “cởi trói” cho DN hoạt động…

Còn rất nhiều sự kiện làm nên dấu ấn, thương hiệu VCCI trong thời gian đầu hoạt động độc lập mà tôi không thể kể hết. Chỉ có thể nói rằng, cho dù trải qua bao biến cố thăng trầm của cuộc đời, những năm tháng gắn bó với tập thể VCCI là những kỷ niệm khiến tôi thấy ấm áp, gần gũi và không thể nào quên. VCCI luôn là “mái nhà chung” của người VCCI, của các doanh nhân, của cộng đồng DN,… không chỉ trong 60 năm qua mà sẽ là mãi mãi.

Đoàn Duy Thành - Nguyên Chủ tịch VCCI

Nguồn: Vietnam Business Forum