10:58:32 | 11/7/2023
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước tất cả các hoạt động đầu tư kinh doanh trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong công tác thu hút đầu tư và phát triển các KCN. Với vai trò quan trọng đó, hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN luôn được Ban thực hiện có hiệu quả, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát và công tác quản lý lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN tiếp tục phát triển.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác kiểm tra, giám sát trong các KCN được Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc quan tâm đẩy mạnh. Ban luôn theo sát mọi hoạt động của doanh nghiệp, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong các lĩnh vực theo quy định của pháp luật. Một số nhiệm vụ quan trọng được Ban triển khai thực hiện tốt trong 6 tháng đầu năm 2023 là: Kiểm tra hoạt động đầu tư của một số doanh nghiệp trong KCN theo Quyết định số 45/QĐ-BQLKCN ngày 24/4/2023; kiểm tra về trật tự xây dựng tại một số đơn vị hạ tầng và doanh nghiệp trong KCN; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và việc chấp hành quy định về lao động tại một số doanh nghiệp trong KCN; trình UBND tỉnh và đề nghị các đơn vị có thẩm quyền xử phạt hành chính về lĩnh vực môi trường, lĩnh vực quản lý sử dụng lao động nước ngoài, lĩnh vực đầu tư và lĩnh vực xây dựng.
Đại biểu Ban quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc tham gia Hội nghị Công đoàn
Cùng với đó, công tác phối hợp với các đơn vị chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát đã được thực hiện có hiệu quả. Ban đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công trình xử lý chất thải của Dự án Mở rộng KCN Khai Quang; phối hợp với Sở Y tế kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trong các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Quyết định số 726/QĐ-SYT, ngày 05/5/2023 của Sở Y tế; phối hợp với Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường xử lý các vấn đề liên quan đến hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp trong KCN; phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động về quản lý sử dụng người lao động nước ngoài tại Công ty TNHH AMO Vina.
6 tháng cuối năm 2023, Ban tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong các KCN, với các nhiệm vụ trọng tâm sau: Giám sát hoạt động đầu tư và các cơ quan có liên quan trong hoạt động kiểm tra và giám sát hoạt động đầu tư của các dự án trong KCN theo quy định của pháp luật (việc tuân thủ các quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư; Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh quy định tại Quyết định số 40/2022/QĐ-UBND tỉnh ngày 25/11/2022). Đồng thời, thường xuyên rà soát các dự án chậm triển khai, tạm ngừng hoạt động... để thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới.
Công tác quản lý lao động được thực hiện hiệu quả
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiến độ sản xuất, doanh thu do thực hiện việc cắt điện luân phiên..., Ban Quản lý các KCN tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản yêu cầu doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đời sống, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện các chính sách mới về pháp luật lao động tập trung vào các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian làm việc, công tác an toàn vệ sinh lao động…
Công ty TNHH Denko Mechanical (KCN Bá Thiện II)
6 tháng đầu năm 2023, Ban thực hiện cấp/cấp lại 704 giấy phép lao động (GPLĐ); chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 150 lượt doanh nghiệp; tiếp nhận 21 nội quy lao động, 18 thỏa ước lao động tập thể; xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ cho 151 trường hợp và đăng ký làm thêm 300 giờ cho 51 doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” và đề án “Nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026”; tuyên truyền thực hiện “Tháng vệ sinh an toàn lao động”; triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong KCN; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh một số cơ chế, chính sách thu hút, giữ chân người lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt, Ban đã giải quyết 1 vụ ngừng việc tập thể và yêu cầu tăng lương tại Công ty TNHH EO Vina (KCN Khai Quang), Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các KCN đến doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, nguyên nhân; hướng dẫn phương án giải quyết, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, hỗ trợ người lao động, sau đó doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường.
Qua đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động; trong đó, có nhiều doanh nghiệp bố trí cho người lao động làm việc luân phiên, cắt giảm công suất hoạt động, một số doanh nghiệp vẫn có đơn hàng tăng trở lại, có nhu cầu tuyển dụng lao động mới như: Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina tăng 35% lao động mới; Công ty TNHH Haesung Vina tăng 20% lao động mới… Các doanh nghiệp đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý sử dụng lao động nước ngoài.
Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý nhà nước về lao động, triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; hoàn thành việc số hóa cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực lao động trong KCN; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động với người lao động, ổn định nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc luôn luôn lắng nghe các ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong KCN, nỗ lực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, xứng đáng là điểm đến tin cậy của tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc phát triển bền vững.
Thanh Loan (Vietnam Business Forum)