Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.


Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

 

Mục tiêu tổng quát Nghị quyết 41 nêu rõ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Tạo dựng vị thế mới cho doanh nhân Việt Nam

Nghị quyết 41 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới.

Một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.


Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: "Doanh nghiệp đang từng ngày không ngừng nỗ lực, vậy VCCI sẽ làm gì để thay đổi?".

 

Tầm nhìn 2045 phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với tầm nhìn đất nước, Nghị quyết 41 yêu cầu đội ngũ doanh nhân phải lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng và có cơ cấu hợp lý. Cơ cấu sẽ liên quan đến doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, các loại thành phần kinh tế… Nghị quyết 41 cũng yêu cầu phẩm chất cần phải có của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tinh thần kinh doanh, năng lực quản trị.

Có một điểm đặc biệt, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đó là tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã triển khai và hiện nay chính thức Bộ Chính trị đưa vào trong Nghị quyết 41. Đó là, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường…

“Đạo đức văn hoá kinh doanh chúng ta cũng đã xác định, khi đất nước trở thành một quốc gia phát triển, thì đội ngũ doanh nhân cũng phải có đạo đức văn hoá kinh doanh xứng tầm của một nước phát triển”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.


VCCI phải thấm nhuần Nghị quyết 41 vì đây là những định hướng lớn cho sự phát triển quốc gia, dân tộc

 

Việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là một yêu cầu cấp thiết để có được một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh theo đúng yêu cầu của Đảng. Đó là, Việt Nam phải có nhiều doanh nghiệp ở tầm khu vực, một số doanh nghiệp ở tầm thế giới đến năm 2030.

Trong đó cũng xác định có những doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.

Phải có những doanh nghiệp làm chủ chuỗi giá trị

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Việt Nam xác định thế mạnh quốc gia là nông nghiệp. Thực tế, nông nghiệp Việt Nam đã đạt những bước tiến như “vũ bão”. Xuất khẩu hàng chục tỉ USD không còn là “vấn đề lớn”, đơn cử như chỉ sau vài tháng đã xuất khẩu hàng tỉ USD sầu riêng sang Trung Quốc.


VCCI phải có cách tiếp cận khác, không chỉ cung cấp các khoá đào tạo “nhỏ lẻ”.

 

“Với những cuộc chơi khác chúng ta không đặt tham vọng, nhưng riêng nông nghiệp Việt Nam phải có những doanh nghiệp làm chủ chuỗi giá trị, không chấp nhận đi sau”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.

Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là hình thành. Giai đoạn thứ hai là hội nhập. Giai đoạn thứ ba là “vươn mình” đứng dậy làm chủ.

“20 năm tới đây chúng ta phải làm chủ một số chuỗi toàn cầu và có năng lực cạnh tranh quốc tế. Mục tiêu rất mạnh mẽ, doanh nghiệp Việt Nam phải dẫn dắt được một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Đó cũng là tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.

Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực “chen chân” vào các chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 và những biến động địa chính trị trên thế giới. Và, Việt Nam đã có cơ hội, nhưng “tham vọng” không chỉ dừng lại ở ‘chen chân” chuỗi cung ứng mà phải dẫn đầu.


Nghị quyết 41 là cơ hội để VCCI khẳng định vai trò, vị trí của mình trước Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Để đạt được khát vọng này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công yêu cầu VCCI phải có cách tiếp cận khác, không chỉ cung cấp các khoá đào tạo “nhỏ lẻ” cho các doanh nhân hay làm phần mềm kế toán, đào tạo cán bộ kinh doanh ở cấp độ “kinh doanh hộ”. Đây không phải là hướng đi của VCCI trong những thập kỷ tới.

“Với định hướng quốc gia như lớn như vậy, liệu VCCI có dám đào tạo để cho ra những doanh nhân lãnh đạo các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng hay không? Chúng ta có đứng ra liên kết mạng các doanh nhân lớn để cùng nhau tạo thành những chuỗi cung ứng như Hàn Quốc đang làm hay không? Ban Hội viên có giải pháp nào để 5 -10 năm tới VCCI là nơi thiết kế ra những cuộc chơi lớn như vậy? ”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đặt câu hỏi.

Muốn làm chủ những chuỗi cung ứng lớn, một doanh nghiệp sẽ không thể làm được mà phải có một hệ thống, hệ sinh thái. Những “ông lớn” Hàn Quốc như Samsung, Daewoo, LG… đều có hệ sinh thái và liên kết với nhau rất mạnh mẽ.

“Doanh nghiệp đang từng ngày không ngừng nỗ lực, vậy VCCI sẽ làm gì để thay đổi? Tư duy hội viên và liên kết doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sẽ phải khác. Bài toán này dành cho VCCI, từng ban, đơn vị. Chúng ta phải nâng tầm tư duy, suy nghĩ để giải bài toán lớn”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công yêu cầu.

Nếu VCCI có “đáp án” đúng thì sẽ nhận được sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước cùng các doanh nhân, doanh nghiệp. Còn vẫn loay hoay giải bài toàn nhỏ bé như trước đây thì sẽ dẫn đến bế tắc. Bởi, khi mục tiêu của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thay đổi thì VCCI phải có cách suy nghĩ mới. VCCI phải thấm nhuần Nghị quyết 41 vì đây là những định hướng lớn cho sự phát triển quốc gia, dân tộc.

“Đồng thời, cũng là cơ hội để VCCI khẳng định vai trò, vị trí của mình trước Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp