Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo kỳ tích thu hút đầu tư

10:49:00 | 25/10/2023

Ngoài lợi thế về hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, TP.Hải Phòng còn luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đã hoàn thành sớm kế hoạch cả năm. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hải Phòng về những nỗ lực này.

Chín tháng đầu năm 2023, Hải Phòng đã tạo bứt phá ấn tượng về thu hút FDI, ông có thể cho biết kết quả cụ thể? Nhằm duy trì đà tăng này trong năm 2023 và các năm tiếp theo, thành phố tập trung vào các giải pháp nào?

Chín tháng đầu năm 2023, tổng thu hút vốn FDI trên toàn thành phố đạt 3.055,58 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 152,78% kế hoạch năm 2023 (kế hoạch là 2 - 2,5 tỷ USD); đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong 9 tháng đầu năm và hoàn thành sớm mục tiêu kế hoạch năm.

Để duy trì đà tăng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, bên cạnh nền hành chính tiếp tục được cải thiện theo hướng số hóa, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, thành phố cũng đang tập trung chuẩn bị xây dựng các khu, cụm công nghiệp (CCN) mới, chuẩn bị sẵn mặt bằng, quỹ đất, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.

Trước hết, tập trung giải phóng mặt bằng đối với các khu, CCN đã có quyết định thành lập, trong đó có giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp (KCN) Deep C3, VSIP, An Dương, KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, mở rộng KCN Tràng Duệ giai đoạn 3, CCN Giang Biên - Vĩnh Bảo,... Qua đó, đảm bảo quỹ đất, sẵn sàng mặt bằng sạch với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, góp phần đắc lực “đi trước một bước” đón đầu các nhà đầu tư.


Cùng với tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về đổi mới, CCHC. Góp phần vào thành quả trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào?

Những năm gần đây, Hải Phòng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) năm 2021 dẫn đầu cả nước, năm 2022 xếp vị trí thứ 02/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giai đoạn 2021 - 2022 thuộc nhóm cao nhất cả nước. Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 đứng thứ 02/63 và năm 2022 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

Đóng góp vào thành công này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ năm 2023, thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) ở cấp sở, ban, ngành theo lĩnh vực (chuyên đề), ở cấp quận, huyện định kỳ hàng quý.

Đặc biệt, tháng 8/2023, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức gặp gỡ, đối thoại DN năm 2023 với chủ đề “DN Hải Phòng đoàn kết, tự hào, tự cường và phát triển bền vững”. Hội nghị đã tiếp nhận và trả lời 122 kiến nghị; tại hội nghị đã tiếp nhận 42 kiến nghị mới, 16 đề xuất sáng kiến đóng góp xây dựng, phát triển thành phố. Đến nay, trong số 58 kiến nghị tiếp nhận trực tiếp tại hội nghị, đã trả lời, giải quyết dứt điểm được 30 kiến nghị, còn lại 28 kiến nghị đang được UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục giải quyết, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị giải quyết dứt điểm kiến nghị, định kỳ hàng tháng báo cáo UBND thành phố kết quả giải quyết kiến nghị.

Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu tập trung bố trí vốn để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Dự án Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ Khu đô thị mới Bắc sông Cấm;...

Ngoài ra, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư (XTĐT), Sở thường xuyên duy trì, kết nối với các cơ quan XTĐT trong và ngoài nước, cập nhật thông tin cũng như tìm hiểu các nhà đầu tư tiềm năng nhằm XTĐT vào thành phố. Tích cực đổi mới hình thức XTĐT; tăng cường XTĐT tại chỗ, đồng thời, tranh thủ nắm bắt thông tin, cơ hội XTĐT các nhà đầu tư khác thông qua nhà đầu tư nước ngoài trong các DN FDI.

Tham mưu UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch XTĐT hàng năm; trình UBND thành phố phê duyệt Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài theo từng giai đoạn, đảm bảo phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển từng thời kỳ.


Lãnh đạo thành phố tham quan gian hàng của Hải Phòng, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và Xúc tiến đầu tư vùng được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh

Từ các tiềm năng, lợi thế đã định hình rõ nét sau khi Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Hải Phòng sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn nào?

Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng là bước ngoặt về tầm nhìn trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố 10 năm tới. Theo đó, thành phố được định hướng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới,...

Trên cơ sở đó, thành phố xác định trong thời kỳ tới cần tập trung ưu tiên phát triển các ngành chủ lực có vai trò dẫn dắt quá trình tăng trưởng kinh tế của thành phố, gồm: (1) Sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin; (2) Dịch vụ cảng biển và logistics; (3) Thương mại. Phấn đấu 3 nhóm ngành này chiếm tỷ trọng khoảng 55 - 60% giá trị tăng thêm trên địa bàn thành phố vào năm 2030.

Khuyến khích nhóm ngành kinh tế mới nổi, có nhiều triển vọng phát triển như: (1) Kinh tế số; (2) Kinh doanh bất động sản; (3) Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; (4) Dịch vụ du lịch, văn hóa, nghệ thuật; (5) Dịch vụ y tế; (6) Dịch vụ giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao; (7) Điện gió ngoài khơi.

Tiếp tục duy trì hợp lý, hiệu quả và bền vững các nhóm ngành khai thác thế mạnh đặc trưng truyền thống của thành phố, gồm: (1) Sản xuất trang phục; (2) Sản xuất thiết bị điện; (3) Sản xuất máy móc, thiết bị; (4) Cơ khí tiêu dùng và cơ khí giao thông; (5) Chế biến nhựa, cao su.

Trong khi điểm số chung về PCI và 6 chỉ số thành phần năm 2022 đều tăng điểm thì Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường lại giảm liên tiếp 2 năm gần đây (từ 7,34 điểm xuống 6,52 điểm và 6,45 điểm). Theo ông, đâu là nguyên nhân và Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, thực hiện giải pháp nào nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số này thời gian tới?

Trong hai năm gần đây, chỉ số Chi phí gia nhập thị trường của Hải Phòng bị giảm điểm liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian đăng ký DN, điều chỉnh nội dung đăng ký DN tăng lên; thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện tại các sở, ban, ngành, địa phương đều giảm điểm và thứ hạng.

Nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, trong đó có Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 21/9/2023 về nâng cao PCI năm 2023 - 2024 TP.Hải Phòng, trong đó mục tiêu Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường đạt từ 7,5 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 40 trở lên.

Các giải pháp trong thời gian tới bao gồm: Phân tích, nghiên cứu sâu kết quả đánh giá từng chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số DDCI; đẩy mạnh các sáng kiến, mô hình mới hỗ trợ DN đăng ký Giấy phép kinh doanh có điều kiện tại các sở, ban, ngành, địa phương.

Tăng tốc và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ số trong giải quyết công việc.

Gắn với các giải pháp trọng tâm là các nhiệm vụ cụ thể giao cho các sở, ban, ngành, địa phương như: Thực hiện hiệu quả mô hình “Kết nối thủ tục Giấy phép kinh doanh có điều kiện”; vận hành hệ thống “Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ đăng ký DN hợp lệ” hiệu quả; tuyên truyền, đối thoại để tháo gỡ các điểm nghẽn, hỗ trợ tối đa cho DN; kiểm tra công tác giải quyết thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện trong quá trình thực hiện kiểm tra công tác CCHC tại các sở, ban, ngành địa phương hằng năm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thành - Ngô San (Vietnam Business Forum)