Tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

12:41:47 | 15/2/2024

So với các địa phương khác trong cả nước, Thừa Thiên Huế có lợi thế đặc biệt về tài nguyên văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường cũng như nguồn nhân lực cho phát triển du lịch. Tỉnh xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo bước đột phá với những mô hình phát triển mới, khác biệt, tổng hòa trong mối liên kết vùng, quốc gia và quốc tế.


Chùa Thiên Mụ Huế không chỉ nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo, cổ xưa mà còn sở hữu phong cảnh hữu tình

Từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Huế không chỉ nổi tiếng là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn là cố đô duy nhất ở Việt Nam bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu,... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật quý hiếm từ xưa để lại. Đặc biệt, Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có 7 di sản được UNESCO vinh danh; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam, gồm: Rừng núi - vùng đồi - đồng bằng - đầm phá - biển.

Không chỉ vậy, giá trị di sản Cố đô Huế còn được hun đúc bởi con người Huế, văn hóa Huế. Sự đa dạng, đặc trưng của ẩm thực cũng là một thế mạnh cho phát triển du lịch địa phương.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh, năm 2023, tổng lượt khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 55% so với năm 2022; trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 3,5 lần so với năm 2022 (khách quốc tế chiếm tỷ lệ 36.8% cao hơn dự kiến ban đầu là khoảng 25-30%). Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỷ đồng, đạt mục tiêu năm 2023 đề ra.

Đề án “Phát triển ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1691/QĐ-UBND ngày 12/7/2021. Mục tiêu, đến năm 2025, ngành Du lịch bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác và đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.

Đây là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu, định hướng tại Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hướng đến du lịch xanh, chất lượng, bền vững và thông minh

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Phát triển ngành Du lịch theo hướng xanh, chất lượng, bền vững và thông minh là mục tiêu chính mà tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm về sau.

Tỉnh tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế gắn với hệ thống di sản văn hóa Cố đô Huế và cảnh quan thiên nhiên Lăng Cô - Cảnh Dương, Bạch Mã, Tam Giang - Cầu Hai và đường Hồ Chí Minh; phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế gắn với các dịch vụ sân golf tại Lăng Cô, Cảnh Dương, Vinh Thanh, Ngũ Điền, Quảng Công, Quảng Ngạn, Hải Dương,…

Ngoài ra, phát triển các sản phẩm du lịch mới, du lịch văn hóa kết hợp với công nghệ “thực tế ảo”; ứng dụng khoa học trong giáo dục và khám phá văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh trên nền tảng trung tâm y tế chuyên sâu, và khai thác nước khoáng tự nhiên ở Thanh Tân, Mỹ An; du thuyền trên sông Hương và đầm phá; du lịch tìm về cội nguồn trên nền tảng vùng đất cố đô.

Phát triển loại hình du lịch tôn giáo tín ngưỡng, du lịch hành hương và du lịch thiện nguyện; du lịch gắn với giao thông xanh,... Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn (đặc biệt làng nghề và trang trại), du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch MICE, du lịch kết hợp với chăm sóc sức khoẻ.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp hoàn thiện nội dung hợp phần du lịch trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu tiên đầu tư cho khu vực động lực, khu Chân Mây - Lăng Cô thành khu du lịch quốc gia; tổ chức triển khai các chương trình, đề án chuyên đề thúc đẩy phát triển kinh tế đêm và kinh tế chia sẻ trong hoạt động du lịch...

Trần Thúy Nga, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

Nguồn: Vietnam Business Forum