13:56:29 | 4/2/2024
Năm 2023, ngành Du lịch đã phục hồi ấn tượng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để có một năm 2024 bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động và Quần thể danh thắng Tràng An là những điểm đến nổi tiếng, thu hút số lượng lớn khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình
Vượt mục tiêu nhưng vẫn chật vật
Theo Cục Du lịch Quốc gia, năm 2023 tổng số khách du lịch quốc tế đạt khoảng 12,6 triệu lượt, vượt 57% so với mục tiêu đề ra. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết, hình ảnh du lịch Việt đã được nâng cao và vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới cũng được cải thiện. Việt Nam đã nhận nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu" tại lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới 2023.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá, năm 2023 khó có thể gọi là năm thành công của ngành Du lịch Việt Nam.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội, Giám đốc Goldentour cho rằng, lượng khách quốc tế và doanh thu được coi là "thước đo thành công" của ngành Du lịch, tuy nhiên, nếu so sánh với trước dịch, Việt Nam chỉ mới đạt mục tiêu phục hồi bằng 44%.
Một điểm sáng của du lịch năm 2023 được đánh giá là chính sách visa khi Chính phủ hỗ trợ bằng cách cấp e-visa và nâng thời hạn từ 30 ngày lên 90 ngày. Tuy nhiên, ngành Du lịch Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng của chính sách này để thu hút khách quốc tế.
Thêm vào đó, mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng và hoàn thành mục tiêu, nhưng Việt Nam vẫn cần một chiến lược phục hồi mạnh mẽ để đối phó với tình hình du lịch trong năm sau. Cụ thể, cần tập trung vào việc quảng bá thương hiệu du lịch, mở rộng thị trường mới, quản lý tốt các điểm đến và phát triển các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách từ các thị trường khác nhau. Song song đó, cần có sự cải thiện về nhân sự chất lượng cao trong ngành để đảm bảo dịch vụ chất lượng cho khách du lịch.
Khởi sắc ngay từ đầu năm 2024
Ngay những ngày đầu năm mới, ngành Du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự khởi sắc đáng kể với lượng khách du lịch lớn đổ về các địa phương trên cả nước để tham quan, nghỉ dưỡng và đón chào năm mới.
Trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch, các địa phương như Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình, và Đà Nẵng đã đón lượng khách lớn. Hà Nội ước tính đón 402 nghìn lượt khách, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Hạ Long tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc, thu hút hàng ngàn du khách. Tại Ninh Bình, nhiều điểm du lịch nổi tiếng như chùa Bái Đính, Tràng An đón hàng chục nghìn lượt khách.
Bên cạnh đó, các thành phố và địa phương khác như Thanh Hóa, Đà Nẵng cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong lượng khách du lịch. Đà Nẵng đón 261.000 lượt khách trong dịp Noel và Tết Dương lịch, tăng 34,7% so với năm 2023. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ước đón hơn 15.500 lượt khách trong 03 ngày nghỉ Tết.
Đóng góp vào thành công này phải kể đến những nỗ lực của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với các giải pháp đồng bộ như thay đổi chính sách thị thực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và quảng bá hiệu quả.
Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức từ tình hình thế giới khó lường đến ảnh hưởng tiêu cực của tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất một loạt các giải pháp quan trọng. Trong đó, yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục tham mưu và hoàn thiện thể chế, chính sách, đồng thời rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh. Đặc biệt, đề cao việc liên kết chặt chẽ với các bộ, ngành khác nhằm kiến tạo chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình sản phẩm mới, như du lịch nông nghiệp và chuyển đổi số trong du lịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tăng cường công tác thống kê du lịch để đảm bảo dữ liệu chính xác và đầy đủ. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch nhằm nâng cao hiệu quả tiếp thị và thu hút du khách. Tập trung đào tạo những người lao động có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là những người thông thạo ngoại ngữ và công nghệ - những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành mà còn tạo ra trải nghiệm du lịch toàn diện và chất lượng cho du khách quốc tế và nội địa.
Giang Tú (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI