Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của châu Á

10:40:16 | 16/2/2024

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Nơi đây có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc,… hội tụ các tiềm năng, thế mạnh để trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước và châu Á trong tương lai không xa.


Thừa Thiên Huế có hệ thống di sản văn hóa vật thể đồ sộ với gần 1.000 di tích, địa điểm di tích lịch sử, cách mạng, di tích lưu niệm, di tích tôn giáo

Kho tàng văn hóa và lễ hội đặc sắc

Thừa Thiên Huế mang trong mình một hệ thống di sản văn hóa vật thể đồ sộ với gần 1.000 di tích, địa điểm di tích lịch sử, cách mạng, di tích lưu niệm, di tích tôn giáo. Địa phương cũng tự hào là nơi có không gian văn hóa đặc sắc (vật thể và phi vật thể), một “gia tài” văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu. Vùng đất cố đô cũng là nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực độc đáo với trên 1.300 món ăn cung đình tao nhã và dân gian phong phú, hấp dẫn.

Bên cạnh các di sản vật thể, Thừa Thiên Huế là nơi tập trung các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình bác học, nghệ thuật trang trí, mỹ thuật, ẩm thực, phong tục tập quán.

Đặc biệt, với hơn 500 lễ hội các loại, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại từ bao đời nay và gắn liền với những giá trị văn hóa của mỗi vùng đất, Thừa Thiên Huế được tôn vinh là vùng đất của lễ hội (thành phố Huế là thành phố Festival của Việt Nam). Nét đặc sắc và riêng có là vùng đất cố đô Huế có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống được lưu giữ, được khôi phục và phát huy. Tiêu biểu như: Lễ hội cung đình Huế; các lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo như Lễ Phật Đản, Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Quán Thế Âm,...).

Mới đây, Thừa Thiên Huế đã được du khách lựa chọn là điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng như “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố Lễ hội”. Đây là những tiềm năng và lợi thế vô giá cho tỉnh trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng “văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.

Trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước và khu vực

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu quan trọng: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu,…

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Bám sát mục tiêu này, thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa bằng nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Sở đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; triển khai Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”; sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán - Nôm; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch,...

Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển”. Hiện Sở Văn hóa và Thể thao đang tích cực phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh triển khai Đề án nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và triển khai cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 54 đã đề ra phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững.

Tập trung huy động nguồn lực để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản một cách nguyên bản, đồng bộ. Hỗ trợ và tạo điều kiện hoàn chỉnh hệ thống bảo tàng văn hóa, nhất là bảo tàng ngoài công lập, làm phong phú hóa các thiết chế văn hóa của Cố đô Huế.

Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về văn hóa, di sản. Chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt để phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong tình hình mới.

Cùng với đó, tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong phát triển văn hóa, du lịch. Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa. Xây dựng cơ chế khuyến khích nhân tài, nhất là chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch.

Hoài Nam (Vietnam Business Forum)