Chuyển đổi số năm 2024: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột

15:34:19 | 9/2/2024

Cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế tất yếu, diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. Đây cũng là giải pháp của Việt Nam trong câu chuyện cải cách hành chính và thực hiện mục tiêu đi tắt đón đầu, phát triển nhanh, bền vững vào các năm 2030, 2045.

CĐS ngày càng phát triển theo hướng toàn dân, toàn diện

Tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về CĐS, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, CĐS đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương và hoạt động kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay (theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO). Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, đứng thứ 38 (theo Liên minh Bưu chính Thế giới). Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek).

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP. Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/1ha/1 năm, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.

Đặc biệt, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử,...).

Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã mang những lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VneID, tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế. Đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 3 doanh nghiệp viễn thông; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu.

Dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, giúp từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực; an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng,… Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân.

Đánh giá kết quả nổi bật về CĐS quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành chương trình, chiến lược về CĐS quốc gia, trở thành quốc gia có nhận thức về CĐS cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại. Giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là giai đoạn tăng tốc với những hành động cụ thể. Những kết quả đạt được cũng là nền tảng và động lực cơ bản giúp Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu đi tắt đón đầu, phát triển nhanh, bền vững vào các năm 2030, 2045.


Việt Nam sẽ sớm thương mại hóa 5G để tạo tiện ích tối ưu cho người dùng

Tập trung phát triển kinh tế số với 4 trụ cột ưu tiên

Điểm lại hành trình 4 năm triển khai chương trình CĐS quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, năm thứ nhất 2020 là năm khởi động CĐS, năm thứ hai 2021 là năm tổng diễn tập CĐS trên toàn quốc để phòng chống Covid-19, năm thứ ba 2022 là năm tổng tiến công với việc phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia và năm thứ tư 2023 là năm dữ liệu số. “Đã đến lúc và đã đủ điều kiện để CĐS quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần và cũng luôn nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao. Kinh tế số là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động.

Theo đó, năm 2024 CĐS sẽ tập trung phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số. Năm 2024 cũng sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của CĐS, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Báo chí xuất bản và truyền thông sẽ lấy không gian mạng làm trận địa chính để phản ánh dòng chảy chính của xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, quản lý không gian mạng lành mạnh, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Năm 2024, phát triển kinh tế số phải lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu, công nghệ số làm động lực cốt lõi và hạ tầng số hiện đại làm nền tảng quan trọng để đẩy nhanh công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và mô hình quản trị văn minh, hiện đại thực hiện khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu như mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống cần có vốn, lao động, tài nguyên, thì chuyển sang phát triển nền kinh tế số, Việt Nam phải có vốn mới (công nghệ tài chính), lao động mới (robot thông minh, in 3D,…), tài nguyên mới (dữ liệu số, điện toán đám mây, công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ý tưởng mới như chuỗi khối).

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số quốc gia, tập trung xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia; sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024 (hạ tầng số phải đi trước). Tiếp tục triển khai hiệu quả và phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số, tập trung phát triển và đẩy mạnh phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, ứng dụng công dân số VNeID, ứng dụng thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số cá nhân,…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về CĐS. Tăng cường hợp tác quốc tế trong CĐS, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thu Hà (Vietnam Business Forum)