09:24:54 | 18/3/2024
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hậu Giang đã tổ chức, triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nói chung, trong đó, đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề gắn với việc làm cho lao động trong doanh nghiệp. Qua đó, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng có tay nghề và việc làm ổn định.
Ông Hồng Xuân Bình (thứ 5 từ phải sang), Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh năm 2023
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 13 cơ sở đào tạo trình độ (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp), gồm 03 Trường Cao đẳng và 10 Trung tâm, với quy mô đào tạo mỗi năm 13.500 lao động (trong đó: Cao đẳng: 500 người, trung cấp: 1.000 người, sơ cấp: 12.000 người).
Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển, hàng năm, ngành phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương, tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, đạt được một số kết quả cơ bản như: Đào tạo nghề cho 8.469/6.500 lao động, đạt 130,29% kế hoạch năm 2023; tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,8%/67,5% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023, tăng 2,43%/2,13% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 14% chỉ tiêu giao; trong đó: Có trên 3.540 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề gắn với việc làm tại 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh,… Hỗ trợ đào tạo nghề theo 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: 174 lớp, với 4.305/3000 lao động, đạt 143,5% chỉ tiêu được giao.
Trong năm 2023, Hậu Giang đã tổ chức 142 phiên giao dịch việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc, qua đó đã tư vấn việc làm cho 16.634 người lao động tham gia; hỗ trợ tuyển dụng lao động với 23 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, số lượng lao động được đề nghị cung ứng 4.511 lao động. Tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN, việc làm năm 2023 với hơn 400 học sinh tham dự.
Trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, tỉnh Hậu Giang luôn chú trọng việc gắn kết, đáp ứng nhu cầu lao động của các tổ chức, cá nhân khu vực tư nhân; sau học nghề, đã có trên 80% người lao động được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng vào làm việc, được bao tiêu sản phẩm sau học nghề hoặc tạo việc làm có thu nhập, mức sống cao hơn. Ưu tiên theo đặt hàng của doanh nghiệp; điều kiện đăng ký tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người lao động là phải xác định được nơi làm việc, mức thu nhập, nơi thu mua sản phẩm và vị trí làm việc sau học nghề. Qua đó, trong năm 2023, đã có trên 3.540 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề gắn với việc làm tại 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Hậu Giang đã phê duyệt 02 Khu công nghiệp (KCN Đông Phú 2 và KCN Sông Hậu 2 tại huyện Châu Thành), số lượng công nhân dự kiến trong KCN khoảng 30.000 người. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững các KCN, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ở các KCN đang là vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết.
Về lâu dài, để đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng GDNN theo Đề án số 03/ĐA-UBND của UBND tỉnh, ngành LĐ-TB&XH tỉnh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như:
Đổi mới GDNN theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động và tạo cơ hội học tập suốt đời.
Thu hút một số cơ sở GDNN chất lượng về tỉnh; tăng cường liên thông, liên kết với các trường, cơ sở GDNN chất lượng để đào tạo một số ngành nghề theo 04 trụ cột của tỉnh.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường định hướng nghề nghiệp cho thanh niên ngay từ bậc học phổ thông; đẩy mạnh phân luồng, tăng số học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN;
Thực hiện đào tạo nghề, dạy văn hoá, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học tại các cơ sở GDNN.
Tăng cường phối hợp giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, ngay từ khâu tuyển sinh đến khi tốt nghiệp.
Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại ngành nghề phù hợp cho lực lượng lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thường xuyên kiểm định chất lượng GDNN. Rà soát toàn diện các điều kiện để đảm bảo chất lượng hoạt động GDNN như: Cơ sở vật chất, nhà giáo, thiết bị, chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại; phát huy hiệu quả 04 nghề trọng điểm cấp quốc gia của Tỉnh.
Nghiên cứu, tham mưu chính sách đưa người lao động sang nước ngoài học tập theo hình thức vừa học, vừa làm, tạo cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cần: (1) Cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động; (2) dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo trong các KCN theo ngành, nghề, trình độ đào tạo và thời gian tiếp nhận lao động để các cơ sở GDNN có kế hoạch đào tạo nghề cung ứng lao động theo lộ trình đầu tư (theo từng năm). (3) Chủ động, phối hợp cử kỹ sư, kỹ thuật viên tham gia hoạt động đào tạo với cơ sở GDNN (xây dựng chương trình, giảng dạy, hỗ trợ thiết bị, máy móc,...). (4) Tiếp nhận nhà giáo đến tham quan, thực hành, thực tập tại KCN; (5) tiếp nhận, tạo điều điện cho người học đến học tập, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp,… Ngoài ra, cần có các dịch vụ cho người lao động như: Phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, các hoạt động vui chơi giải trí, trường mẫu giáo cho con em công nhân,… để thu hút được nhiều lao động vào làm việc.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI