09:14:11 | 1/5/2024
Với việc khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã có sự phát triển tích cực. Ông Nguyễn Tấn Liêm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kon Tum đánh giá: Đó là kết quả của tư duy kinh tế và nhìn nền kinh tế bằng tư duy tích hợp giữa giá trị sản xuất với giá trị chế biến, dịch vụ thương mại, thị trường với yếu tố văn hóa, xã hội.
Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
Song hành với sự phát triển của tỉnh Kon Tum những năm qua, ngành Nông nghiệp cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ông có thể chia sẻ thêm về những thành tựu này?
Việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất trồng trọt hàng năm đều đạt và vượt nhiệm vụ UBND tỉnh giao. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi diện mạo của ngành, giúp tăng năng suất và chất lượng. Các sản phẩm dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Các cơ sở sản xuất trồng trọt đã từng bước thiết lập và quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, mã số cơ sở đóng gói nông sản theo đúng quy định.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao tiếp tục được đầu tư phát triển và đang dần chiếm ưu thế. Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng cánh đồng lớn, phát triển NNƯDCNC gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông, ngành cần tiếp tục làm gì để khai thác tối đa những tiềm năng đang có, đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn tới?
Được thiên nhiên ưu ái về điều kiện đất đai, khí hậu, tỉnh Kon Tum có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng đa dạng, phong phú. Không chỉ vậy, ngành cũng đã thành công trong việc phát triển NNƯDCNC ở lĩnh vực trồng trọt các loại rau, hoa, củ quả xứ lạnh, cà phê (trong đó có cây cà phê xứ lạnh tại các huyện vùng Đông Trường Sơn), mía, dược liệu,…
Để khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh về phát triển NNƯDCNC, đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn tới, tỉnh Kon Tum sẽ triển khai những giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; tăng cường xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong phát triển NNƯDCNC.
Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và NNƯDCNC nói riêng. Hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia các sàn thương mại điện tử; các gian hàng hội chợ, triển lãm, kết nối,... Lựa chọn các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có năng lực, có khả năng lan tỏa làm hạt nhân, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất NNƯDCNC gắn với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, làm đầu mối định hướng sản xuất hàng hóa cho từng vùng cụ thể.
Hiện tỉnh đang từng bước xác định nhiệm vụ phát triển cơ sở dữ liệu số ngành NN&PTNN, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kon Tum có nhiều điều kiện để phát triển các ngành kinh tế nông - lâm nghiệp gắn liền với du lịch văn hóa, sinh thái, hướng đến kinh tế xanh. Ông cho biết thêm về những tiềm năng này?
Tỉnh xác định phát huy tài nguyên du lịch hiện có, phát triển du lịch xanh là giải pháp mang lại nhiều triển vọng và hiệu quả kinh tế.
Từ thế mạnh trồng rừng phủ xanh và phát triển nông - lâm nghiệp ƯDCNC, cùng với thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc, tỉnh đã tập trung phát triển du lịch xanh. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa gắn với du lịch, góp phần thu hút du khách hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng; triển khai đầu tư tôn tạo, phục dựng và khai thác giá trị di tích lịch sử cách mạng để phục vụ phát triển du lịch.
Vườn dưa leo baby tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản,…sẽ tiếp tục được địa phương chú trọng ra sao, thưa ông?
Để khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về nguồn tài nguyên nông nghiệp, tỉnh xác định quan điểm thu hút đầu tư là ưu tiên hàng đầu nhằm huy động và đa dạng hóa nguồn lực phát triển NNƯDCNC gắn với chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Đến nay, Kon Tum đã thu hút và triển khai 27 dự án NNƯDCNC còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 6.996,182 tỷ đồng và quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nông nghiệp với diện tích đất cho thuê 889,71ha.
Tỉnh cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ và quản trị sản xuất đầu tư vào nông nghiệp; áp dụng đầy đủ các chính sách đã được Trung ương ban hành như: Chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp.
Tỉnh đang quyết liệt nắm bắt những cơ hội vàng cho ngành Nông nghiệp vươn xa. Trong đó, yêu cầu trước mắt là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Công Luận (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI